Theo thống kê của Bộ Lao động, trong năm năm (2012-2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ.
Một số vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc như vụ cháu bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần; vụ việc nghi phạm ở Vũng Tàu xâm hại tình dục với nhiều trẻ em; vụ cháu bé sinh năm 2012 bị đối tượng 78 tuổi xâm hại tình dục ở Ba Vì, Hà Nội…
"Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non", bà Lan cho biết.
Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an) cho biết, qua phân tích điều tra cho thấy các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, có quan hệ gần gũi với nạn nhân, có thể là hàng xóm hoặc họ hàng. Trong đó, một số người nước ngoài đến Việt Nam gây ra những vụ dâm ô với trẻ em.
"Nghề nghiệp của những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em tương đối đa dạng, có cả thành phần là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Đặc biệt, một số thầy cô giáo đã thực hiện hành vi gây ra những tổn hại cho trẻ em", đại tá Vĩnh cho hay.
Cục trưởng Cảnh sát hình sự cũng thông tin, các đối tượng thường lợi dụng trẻ em ở nhà một mình hoặc những nơi vắng vẻ để xâm hại; có trường hợp đối tượng cho trẻ em uống rượu, uống các chất kích thích, dụ dỗ trẻ em đi chơi tạo điều kiện thuận lợi để xâm hại tình dục. Có nhiều vụ đối tượng đã làm quen trên mạng xã hội để dụ các em đi chơi rồi xâm hại tình dục.
"Trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con", Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết.
Trong khi thực trạng xâm hại tình dục trẻ em rất nghiêm trọng, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng, như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em.
Pháp luật tố tụng hình sự cũng chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em. Ngoài ra, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.
Bà Ninh Thị Hồng, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì cho rằng sự phối hợp trong giám định giữa ngành công an và y tế chưa kịp thời. Hiện phải có thủ tục là ngành công an cấp giấy thì y tế mới giám định. Khi vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, người dân lên tỉnh mới giám định được. "Quá trình này mất nhiều thời gian và sau đó thì không phát hiện được chứng cứ nữa", bà Hồng nói.
Bà Hồng cũng cho rằng, việc để các điều tra viên là nam hỏi chuyện các bé gái khiến cháu sợ sệt không dám trả lời. Bà đề nghị có điều tra viên, cán bộ xã hội là nữ, nhẹ nhàng trò chuyện với các cháu để có được thông tin chính xác.
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do một Phó thủ tướng phụ trách, cơ quan thường trực là Bộ Lao động.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thẩm định điều kiện cấp phép hoạt động, quản lý các “nhóm, lớp trẻ tư thục”, khắc phục tình trạng hoạt động tự phát và chưa bảo đảm an toàn cho trẻ như hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu cho mở mã ngành đào tạo chức danh “Bảo mẫu”, quy định hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm nuôi trẻ em trong các nhóm trẻ tư thục này.
Theo Hoàng Thuỳ/vnexpress