UB Tư pháp cho rằng nhiều án tham nhũng xử dưới khung hình phạt, hưởng án treo hoặc xử lý hành chính người phạm tội tham nhũng, còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ tình trạng tội to co thành bé.
Đó là những nhận định đáng chú ý về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 vừa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19-9.
Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày cho biết từ tháng 8-2011 đến tháng 8-2012, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can).
Đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỉ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-9 - Ảnh: TTXVN |
Nương nhẹ?
|
Sai phạm nhiều, thu hồi ít
Qua hơn 6.000 cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 6.482 tỉ đồng, 1.291ha đất (đã thu hồi được 141 tỉ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 31.207 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 27 vụ, 35 người.
Trong số sai phạm phát hiện được nêu trên có 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản 132,7 tỉ đồng.
|
Theo ông Tranh, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (9 người bị xử lý hình sự, 31 người đã xử lý kỷ luật). Song việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được quy định rõ ràng cụ thể.
Nhiều nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu.
“Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ cao; tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn hạn chế” - báo cáo của Chính phủ thừa nhận.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận xét: “Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao; có nơi việc áp dụng điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%”.
Trả lời câu hỏi tại sao phát hiện sai phạm nhiều mà thu hồi được rất ít, xử lý tham nhũng cũng ít, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng giải thích việc thu hồi rất khó. Ví dụ sai phạm ở Vinalines gần 500 tỉ đồng nhưng thu hồi rất khó vì đã thất thoát. Các doanh nghiệp góp vốn đầu tư bất động sản, khi doanh nghiệp bất động sản phá sản thì doanh nghiệp cũng mất luôn.
“Xử lý tội tham nhũng ít là do chứng minh hành vi vụ lợi rất khó khăn, mặc dù cảm nhận của người dân, của dư luận là như vậy. Ví dụ mua sắm tài sản cũ thì người ta trả lời là mua cái cũ cho rẻ, tất nhiên chúng ta hiểu rằng mua cái cũ rất khó định giá, nhất là liên quan đến yếu tố nước ngoài” - ông Lượng nói.
“Nói rằng không chứng minh yếu tố vụ lợi thì không kết tội tham nhũng được, như vậy số sai phạm, thất thoát lớn hàng mấy ngàn tỉ đồng cứ đưa vào báo cáo thì có phải là tham nhũng không hay chỉ là án kinh tế?” - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề.
Ông Lưu yêu cầu tới đây các báo cáo trước Quốc hội phải làm rõ có hay không tình trạng xử án tham nhũng dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo và xử lý hành chính, có hay không chuyện tội to co thành tội bé.
Cần xem xét trách nhiệm thanh tra, kiểm toán
|
"Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng “bôi trơn”. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông. Dân không bao giờ bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút lót"
Phó chủ tịch Quốc hội
Huỳnh Ngọc Sơn
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết qua thẩm tra, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.
Trong khi báo cáo của Chính phủ nhận định rằng không ít người dân, doanh nghiệp sẵn sàng hối lộ để được việc thì Ủy ban Tư pháp nhận định “nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng được nâng lên phần lớn phụ thuộc vào việc tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, chứ không phải là do các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang tiến hành mang lại”.
“Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng “bôi trơn”. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông. Dân không bao giờ bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút lót” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần có đánh giá về tình trạng tham nhũng ở khâu cán bộ do “nhiều cơ quan không yên tâm về chất lượng cán bộ được tuyển chọn vì rất nhiều phong bì ở khâu này”.
Sốt ruột vì lãng phí thời gian
Tại phiên họp, Chính phủ đã trình báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng bị nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chê” là “chủ yếu nói về việc làm được, ít đề cập đến những việc chưa làm được”. Một trong những lĩnh vực để xảy ra nhiều lãng phí nhất, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách, là tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để hoang hóa; tình trạng quy hoạch “treo” vẫn còn ở nhiều địa phương, gây lãng phí lớn và chậm được khắc phục.
“Đến tháng 7-2012, Hà Nội chậm triển khai 500 công trình do chờ quy hoạch, 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch với diện tích đất bình quân trên 10ha/sân golf” - Ủy ban Tài chính - ngân sách chú thích.
Đề nghị đưa nội dung lãng phí thời gian vào báo cáo, cả Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng cho rằng đây là dạng lãng phí nghiêm trọng. “Triển khai dự án, thi công công trình chậm thì phải trả lãi vốn đi vay, chậm đưa vào sử dụng thì lãng phí cơ hội..., có khi lãng phí này lên đến hàng mấy chục, mấy trăm nghìn tỉ đồng” - ông Phước nói.
Ông Sơn nhận xét: “Lãng phí thời gian trong hoạt động của bộ máy nhà nước rất lớn. Ví dụ, hội họp nhiều nhưng chất lượng ít, công việc được giao cứ trì trệ, làm việc thì đi muộn về sớm. Trong xây dựng cơ bản, thậm chí như Hội trường Ba Đình kéo dài mấy khóa cũng là lãng phí thời gian”.
Lợi dụng!
Báo cáo của Chính phủ cho thấy “trong năm qua có 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng theo đúng quy định. Tuy nhiên, số trường hợp nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khẳng định “một số cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu đòi hối lộ, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp”.
|
LÊ KIÊN / Tuổi trẻ Online