Vụ việc 3 cháu bé sơ sinh cùng tử vong tại BV Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sau khi tiêm vaccine viêm gan B vào sáng 20-7 khiến dư luận hết sức hoang mang. Nguyên nhân tử vong vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia thì đây chắc chắn là một vụ hết sức đáng lo ngại, bởi khó có khả năng 3 trẻ tử vong cùng lúc, do cùng một loại vaccine là… tai nạn ngẫu nhiên.
 
 
Cần đánh giá một cách nghiêm túc
 
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 21-7, Bộ Y tế đã cử một đoàn chuyên gia đến huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để tìm hiểu nguyên nhân. Trước đó, tại địa phương này đã quyết định tạm đình chỉ, ngừng sử dụng lô vaccine có liên quan đến những cháu bé tử vong để đợi xác minh, đánh giá nguyên nhân. Được biết, vaccine viêm gan B được tiêm cho 3 trẻ tử vong thuộc 2 lô vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia do Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cung cấp, có hạn dùng đến năm 2015. Đây được coi là sự cố nghiêm trọng nhất nghi ngờ liên quan đến vaccine viêm gan B trong thời gian qua.
 
Trao đổi với báo chí, GS.TS khoa học Nguyễn Văn Mẫn, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine sinh phẩm y tế - Bộ Y tế cho biết, hiện tại chưa thể kết luận được 3 cháu bé tử vong nói trên có phải là tai biến do vaccine viêm gan B hay không. Muốn khẳng định được cần phải đánh xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, từ kiểm tra chất lượng vaccine, quá trình bảo quản, quy trình tiêm chủng… Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Mẫn nhận định, 3 trẻ sơ sinh gặp tai biến cùng lúc, cùng một chỗ, sau khi tiêm cùng một loại 
vaccine thì chắc chắn đây là một vấn đề rất đáng lo, nó khác hẳn với việc chỗ này chỗ khác, thi thoảng gặp 1 cháu bé tai biến tử vong sau tiêm vaccine. 
 
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai cho rằng, rất khó xảy ra chuyện trùng hợp ngẫu nhiên khi cả 3 trẻ cùng lúc gặp biến chứng nặng sau tiêm vaccine. Với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng như thế này thì phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc, tập trung vào đánh giá trực tiếp xem chất lượng vaccine đó ra sao, quy trình tiêm chủng có sai phạm gì không, thậm chí phải xem xét cả bệnh án lúc đẻ của nạn nhân, diễn biến cuộc đẻ và sức khỏe các bé lúc mới sinh... 
 
Liệu có do quy trình tiêm chủng?
 
GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia cho rằng, với việc xảy ra những ca tai biến nghiêm trọng sau tiêm vaccine viêm gan B mũi sơ sinh nói trên, đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét lại quy trình tiêm chủng và cân nhắc việc thay đổi lịch tiêm vaccine viêm ban B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. “Tôi không nghi ngờ chất lượng vaccine nhưng tôi lo việc thực hiện tiêm chủng đối với vaccine này chưa hợp lý. Một y tá của nhà hộ sinh thì chắc chắn kỹ năng tiêm chủng không thể bằng nhân viên y tế chuyên phụ trách công tác tiêm chủng. Với một lọ vacicne được lấy trong tủ lạnh phải được để ấm trước khi tiêm cho trẻ, nếu tiêm ngay cơ thể trẻ có thể sốc vì lạnh”- GS.TS Nguyễn Đình Bảng phân tích. 
 
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là tiêm vaccine viên gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, tuy nhiên không thể áp dụng một cách cứng nhắc với tất cả các trường hợp mà trước khi tiêm bác sĩ cần phải khám cẩn thận cho tất cả các bé. Sau khi khám, nếu bác sĩ khẳng định trẻ không bị bệnh gì, sức khỏe tốt thì mới tiêm mũi vaccine viêm gan B, lý do vì ngày đầu sau sinh của trẻ có diễn biến rất khó lường. Thực tế có những trẻ sinh ra có khóc, bú tốt, nhưng chỉ sau 6-12 tiếng thì đã bị suy hô hấp. Nếu không theo dõi kỹ sức khỏe của trẻ mà tiêm vaccine luôn trong thời gian này, có thể trẻ bị tai biến hoặc tử vong là do bệnh chứ không phải do vaccine nhưng chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp.  
 
Một số chuyên gia khác về tiêm chủng cũng cho rằng, không nhất thiết phải tiêm mũi viêm gan B ngay 24 giờ đầu sau sinh mà có thể tiêm trong tháng đầu sau sinh, khi đứa trẻ đã cứng cáp hơn để giảm thiểu tỷ lệ tai biến.
 
Tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ đạt hiệu quả cao nhất
 
Chiều 21-7, trao đổi với báo chí liên quan đến vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, tại Việt Nam, có tới 20% dân số mang kháng nguyên viêm gan B. Khoảng 10% bà mẹ mang thai có mang virus viêm gan B và 90% trong số đó truyền sang con trong quá trình sinh nở.  Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-95%. Nếu tiêm vaccine viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.
 
Theo Duy Tiến
An Ninh Thủ Đô