Yên Tử trước ngày khai hội: Du khách tăng vọt, giá cáp treo bị đẩy cao
Cập nhật lúc 16:44, Thứ bảy, 08/02/2014 (GMT+7)
Mùng 10 tháng Giêng (tức 9/2/2014), di tích Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) mới chính thức khai hội, nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, hàng chục vạn phật tử, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đã hành hương về với non thiêng, nơi được coi là thủ đô Phật giáo Trúc Lâm của đất Việt.
Công ty cổ phần Tùng Lâm (đơn vị nắm quyền khai thác các dịch vụ tại Yên Tử) cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm dàn xe điện để phục vụ đón khách ngay từ bãi giữ xe đến sân ga cáp treo chùa Giải Oan. Đây là dịch vụ mới phần lớn dành cho người cao tuổi, người khuyết tật có thể dễ dàng hành hương Yên Tử bằng các tuyến cáp treo. Vì vậy, mức giá 8.000đ/lượt/người đi xe điện cũng là điều chấp nhận được.
Điều một số du khách bày tỏ sự không hài lòng là giá vé cáp treo năm nay tăng từ 15-20% so với năm ngoái. Theo đó, giá vé khứ hồi 2 tuyến là 280.000 đồng, vé 1 chiều là 150.000 đồng/lượt/người lớn trẻ em 100.000 đồng/lượt (tăng từ 30.000 đến 50.000 đồng/vé). Ông Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc Công ty cổ phần Tùng Lâm giải thích, việc điều chỉnh giá vé đã được tăng giá để bù lỗ cho những năm trước đây. Thêm vào đó, phải trả thêm lương nhân công vận hành tuyến cáp, trả lương tăng cường cho việc thu dọn vệ sinh suốt dọc đường hành hương. Ông Thiết cũng nói rằng việc điều chỉnh tăng đã được báo cáo và đồng ý của UBND tỉnh và TP Uông Bí. Thế nhưng, theo nhiều tăng ni phật tử và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, việc tăng giá vé rất dễ gây hiểu lầm là tăng khai thác lợi nhuận, trong khi cả quần thể di tích Yên Tử này có giá trị đầu tư vô cùng lớn của quảng đại chúng sinh nên không hề đặt mục tiêu vì lợi ích kinh tế.
Dù có vài việc chưa thống nhất về quan điểm trong cách tổ chức khai thác dịch vụ nhưng nhìn chung, Yên Tử đã làm được những điều mà ít có di tích, danh lam thắng cảnh khác có được. Đó là sự thiện tâm, đến với lễ hội về với đất Phật, ngoài nhu cầu tinh thần còn là để tưởng nhớ vị vua Trần Nhân Tông suốt đời vì nước vì dân, chân tu hoá Phật Hoàng, về để tự răn mình, để hoá giải lòng trắc ẩn, sân hận ngõ hầu cuộc sống tốt hơn, thiện hơn.
Theo CAND
.