Mặc dù có hàng trăm tuyến kênh rạch với chiều dài lên đến hơn một ngàn cây số kết nối chằng chịt với nhau trên địa bàn nhưng thật lạ, bao năm qua dịch vụ du lịch đường sông ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh vẫn hết sức rời rạc, thiếu kết nối.

 

 Du lịch đường sông ở TP HCM đối mặt với nhiều khó khăn.
Du lịch đường sông ở TP HCM đối mặt với nhiều khó khăn.


Các tuyến du lịch chặng ngắn (dưới 10km) như đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hay du lịch chặng dài dọc sông Sài Gòn về Củ Chi, đi TP Vũng Tàu cũng đang gặp rất nhiều vấn đề với thách thức lớn nhất là rất ít hành khách.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách du lịch đường sông ở thành phố hiện nay gặp khó khăn. Đầu tiên là không có sản phẩm đặc thù.

“Nếu ở miền Tây các sản phẩm du lịch gắn bó với sông nước như chợ nổi, đi thuyền trên sông, ẩm thực nghe đờn ca tài tử miệt vườn… thì ở thành phố dù sông nước cũng rất mênh mông nhưng lại không có nét đặc trưng như vậy. Thế nên, nhiều người ở cạnh sông Sài Gòn mà vẫn muốn về miền Tây du lịch sông nước. Nguyên nhân  ô nhiễm nguồn nước mà hệ thống sông ngòi ở thành phố đang đối mặt, nên đã hạn chế sự phát triển của ngành du lịch”, ông Vũ nêu ý kiến.

Ông Vũ cũng cho rằng, so với vài năm trước lượng khách du lịch đường sông ở thành phố bỗng nhiên giảm sút nghiêm trọng cũng khiến cho nhiều người  cảm thấy lo lắng.

Nguyên nhân của tình trạng này chính là sự di dời khu vực bến tàu đón khách từ khu trung tâm quận 1 sang bên khu vực quận 4, khiến nhiều du khách cảm thấy bất tiện.

Ngoài ra, việc thiếu các bến bãi đường thủy, thiếu sự kết nối các tuyến đường bộ (như xe buýt) với các khu vực bến bãi đường thủy cũng khiến cho du khách “một đi không trở lại” với du lịch đường sông. Hơn nữa, với sự phát triển quá nhanh của các đường bay giá rẻ thời gian gần đây.

Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn là trung tâm trung chuyển mà du khách đã tới thẳng các địa điểm như Cần Thơ, Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang… một cách dễ dàng. Điều này cũng làm giảm sức hút du lịch của thành phố nói chung, và du lịch đường sông nói riêng.

Trong khi đó, nêu các giải pháp để vực dậy một loại hình du lịch đặc thù ở thành phố, ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, việc quan trọng để vực dậy du lịch đường sông hiện nay chính là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thực tế, so với hệ thống sông ngòi ở các khu vực lân cận, hệ thống sông ngòi ở thành phố bị tác động bởi ô nhiễm nhiều hơn, do mật độ dân cư, nhà máy, khu công nghiệp…

Vì thế, kéo du khách đến với sông nước ở thành phố thì trước mắt phải làm sạch chính hệ thống sông nước này. Việc quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống bến cảng, tàu bè cùng dịch vụ kết nối cũng là việc mà nhiều doanh nghiệp du lịch mong muốn các lãnh đạo thành phố thực hiện.

Ông Bình cũng nêu ý kiến rằng, việc đa dạng các sản phẩm du lịch đường sông như nghe đàn hát, múa rối cũng khá cần thiết. “Đặc thù của đường sông là yên tĩnh và thời gian di chuyển lâu. Vì thế các loại ẩm thực kết hợp với nghệ thuật văn hóa dân gian cũng cần được đa dạng, tạo sự hứng khởi cho du khách”, ông Bình cho biết.

Nói về những vướng mắc của du lịch và vận tải đường thủy ở thành phố hiện nay, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết hiện nay đã có nhiều tuyến vận tải đường thủy phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách và người dân được quy hoạch, triển khai. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến các dự án này gặp khó khăn. Từ vấn nạn ô nhiễm cho tới lấn chiếm bờ sông…

Xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn thời gian tới ở thành phố, việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài xây dựng các bến cảng ở dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh lớn như Chợ Đệm, Tàu Hũ… việc ưu tiên cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này cũng là hết sức cần thiết.

Là một định hướng phát triển kinh tế lớn của thành phố, tuy nhiên để du lịch nói chung và du lịch đường sông nói riêng trở thành thế mạnh, phát huy đúng tiềm năng thiên nhiên sẵn có là cả một quãng đường dài, cần sự chung tay của nhiều ban ngành, người dân.

 

Theo Đoàn Xá/Đại đoàn kết

.