(BVPL) - Một lần ngồi quán cà phê ở TP. Nha Trang, biết quê tôi ở gần Phong Nha - Quảng Bình một đồng nghiệp đang công tác tại báo Khánh Hòa rất hào hứng khi nghe chúng tôi nói về dòng sông Son huyền thoại. Nghe xong câu chuyện, anh khẳng khái “Nhất định tớ sẽ về Quảng Bình với cậu, và cùng cậu đi ngược dòng sông Son để cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó mới thôi”.
 


Tiếp tục cuộc hành trình, thuyền chúng tôi chui qua cầu Xuân Sơn khi mặt trời đang dần khuất sau dãy núi đá vôi kỳ vỹ. Những ánh nắng cuối cùng xuyên qua rặng núi chiếu xuống khiến dòng sông càng trở nên lung linh huyền ảo. Ngược với những chiếc thuyền du lịch đưa khách từ động Phong Nha trở về, thuyền chúng tôi đi thêm khoảng 2 km dọc dòng sông Son để lên bến phà Xuân Sơn B mang tên người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Cũng như bến phà Xuân Sơn A, bến phà Nguyễn Văn Trỗi cũng từng phải hứng chịu hàng ngàn lượt bom đạn của kẻ thù nhưng mỗi lúc bom ngớt là phà lại chạy, chở bao vũ khí, lương thực của quân và dân miền Bắc vào chi viện cho miền Nam đánh giặc cứu nước.  Đứng ở tấm bia ghi danh di tích lịch sử bến phà Nguyễn Văn Trỗi nhìn ra dòng sông, chúng tôi nhìn thấy Phong Nha Đệ nhất Động ở trước mặt. Chúng tôi hẹn với dòng sông Son là ngày mai sẽ lên tận đầu nguồn của dòng sông.

Những đổi thay nơi đầu nguồn

Như đã hẹn, chúng tôi lên với ngọn nguồn sông Son. Dừng thuyền ở cửa động Phong Nha, chúng tôi tiếp tục thuê thuyền Kayak để tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi tự chèo thuyền Kayak chầm chậm ngược lên vùng Chày Lập.

Thuyền chúng tôi chèo chầm chậm lên thôn Chày Lập thuộc địa phận xã Phúc Trạch. Thấp thoáng bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là những tấm biển bằng gỗ với dòng chữ “Homstay – Chày Lập”. Anh bạn tôi có chút ngạc nhiên “à ra đây cũng làm du lịch homstay à? Tôi liền kể cho bạn tôi nghe về loại hình du lịch này.

Thôn Chày Lập cách Trung tâm Du lịch văn hóa, sinh thái Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chừng 12km, nằm cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Chày Lập thuộc vùng đệm của Di sản, ở ngay cửa ngõ phía Bắc vào Vườn Quốc gia, bao quanh là sông và núi. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng. Trước khi có du lịch, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Với rất ít ruộng đất, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng bằng những gùi gỗ, con thú từ rừng Phong Nha. Đến cuối năm 2007, tổ chức Counterpart International Việt Nam bắt đầu giai đoạn khảo sát, lên kế hoạch và thành lập mô hình du lịch Homestay đầu tiên tại đây.

Ban đầu với những bà con quen với rừng núi, ruộng đồng thì du lịch là một cái gì đó khá mới mẻ và xa lạ. Nhưng sau một thời gian ngắn, bà con đã quen dần và trở nên yêu thích việc làm du lịch bởi nó đã làm thay đổi bộ mặt của làng quê. Đến Chày Lập, du khách sẽ được thả hồn với thiên nhiên bằng cách chèo thuyền Kayak trên sông Chày, tham gia việc đồng áng với bà con nông dân, đi xe đạp để khám phá cảnh sắc thiên nhiên, ăn những món ngon mang đậm tính dân dã...

Rời ngôi nhà gỗ Homstay ở Chày Lập chúng tôi đi vào suối nước Moọc. Đây là một nhánh suối của dòng Son chảy từ trong rừng Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng và đây cũng là một nhánh nguồn đẹp nhất của dòng sông Son.

Suối nước Moọc bí ẩn từ chính cái tên của nó. Moọc là tiếng địa phương nghĩa là “mọc”. Nước Moọc có nghĩa là nước của dòng suối “mọc” lên bí ẩn từ dòng sông ngầm dưới lòng đất của rừng di sản. Từ khi Động Thiên Đường được phát hiện và đưa vào khai thác du lịch thì suối nước Moọc là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách trong những ngày hè.

Chúng tôi hạ quyết tâm cưỡng lại sự quyến rũ trước vẻ đẹp của suối nước Moọc để tiếp tục cuộc hành trình ngược dòng Son. Theo con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy qua cầu Troóc chúng tôi lên ngã ba đường Hồ Chí Minh ngay trước trụ sở UBND xã Xuân Trạch. Tại ngã ba này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã trồng một cây đa lưu niệm khi đoạn đường này hoàn thành. Chúng tôi tiếp tục lên Khe Gát, nơi có dòng suối chảy từ chân đèo Đá Đẻo về, ghé thăm sân bay dã chiến Khe Gát, nơi lịch sử ghi dấu bằng trận đánh 17 phút.

Rời sân bay Khe Gát, chúng tôi quay lại để sang làng Ngọn Rào, là một nhánh khác của sông Son. Trước đây, nhắc tới Ngọn Rào người ta thường nghĩ tới một nơi khó khăn, thiếu đói và nạn phá rừng. Nhưng những năm trở lại đây, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, làng Ngọn Rào đã có một bộ mặt hoàn toàn mới. Mặc dù tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn nhưng không thấy cảnh thiếu đói như trước đây nữa. Nhiều hộ dân đã thoát ra khỏi hệ ý thức sống dựa vào phá rừng để chuyển sang những công việc khác như: mộc, kinh doanh buôn bán, phát triển kinh tế VAC để từng bước vươn lên có một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn…

Chúng tôi khép lại bài viết này với niềm vui bằng câu nói của ông Dư Xuân Cảnh, Trưởng thôn 9 xã Xuân Trạch (Thôn 2, làng Ngọn Rào) “Cuộc sống người dân giờ đã khá hơn nhiều rồi, nhiều người đã biết tìm hướng phát triển kinh tế mới thay vì phụ thuộc vào việc phá rừng như trước đây, ví như ở thôn tôi có anh Trần Văn Tuấn, trước đây anh  là bộ đội xuất ngũ với hai bàn tay trắng nhưng với đầu óc và sự sáng tạo, anh đã vay mượn để mở xưởng mộc sau đó là kinh doanh cho thuê rạp đám cưới, hỏi. Hiện gia đình anh Tuấn là một trong những gia đình khá giả trong làng”.
 

Xuân Nha

.