leftcenterrightdel
Bảy đóa sen khổng lồ trên sông Hương tượng trưng cho bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật. 

Cách đây 3 năm, tại cuộc tọa đàm khoa học “Văn hóa nghệ thuật miền Trung: vấn đề nghiên cứu và đào tạo” nhân 20 năm thành lập Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở Huế (1994-2014), có ý kiến đưa ra nên tổ chức thực hiện Festival Huế trong 4 mùa và để nhân dân Huế trở thành chủ thể sáng tạo ra văn hóa, tránh sự lập lại nhàm chán cho du khách.

Theo đó, với đề xuất này, để thu hút du khách, Festival Huế nên tổ chức với các chủ đề: “Thu vàng xứ Huế”, “Đông – khúc giao mùa”, “Xuân – sắc xuân trong hội nhập”, “Hạ - an lạc giữa mùa sen”. Đây là ý tưởng của nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở Huế. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với chủ đề “Hạ - an lạc giữa mùa sen” vì nó gần gũi nhất về mặt thời gian diễn ra Festival Huế.

Bên cạnh đó, với người Huế, chiếc đèn lồng hoa sen luôn là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của lễ hội Phật giáo. Người Huế tin rằng, ánh sáng từ đèn hoa sen tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ mà Đức Phật tìm thấy. Bởi thế, đến với mùa Phật Đản ở Huế, du khách sẽ thấy trên đường phố Huế và các cửa chùa rực rỡ sắc màu đèn lồng hoa sen.

Cuối cùng, cơm hấp lá sen là một món ăn rất gần gũi với người ăn chay xứ Huế, một món ăn với những hạt cơm trắng tinh hòa quyện cùng với những hạt sen thơm ngát, một thực phẩm quý ở vùng đất Cố đô. Khó nhất trong việc chế biến món ăn này là khâu sử dụng sen. Và người phụ nữ Huế phải chọn từng hạt sen một sau khi đã lấy đi tim sen có vị đắng. Cái khéo tay của người phụ nữ Huế là hạt sen rất dễ nát nhưng họ khi nào cũng “canh” đúng lửa khi luộc bởi nếu hạt sen bị nát thì món ăn cũng coi như đã thất bại.

Thưởng thức món cơm hấp lá sen cũng chính là tìm về với bản ngã của tâm hồn, có được sự thanh thản và tìm đến điểm cao của sự thanh tịnh trong ẩm thực xứ Huế. Và chỉ vào mùa hạ, mùa sen nở thì du khách đến Huế mới có dịp thưởng thức được món ăn thanh tao nhưng khá cầu kỳ này.

Do đó, tôi cho rằng, vào mùa Hạ, nếu tỉnh Thừa Thiên – Huế biết cách đưa văn hóa Phật giáo Huế vào du lịch và đặc biệt là đưa vào chương trình Festival Huế thì Cố đô Huế sẽ hấp dẫn du khách thập phương hơn. Có thể nói, Lễ Phật Đản ở Huế hoàn toàn xứng tầm quốc gia và quốc tế, không thua kém gì so với tầm vóc các kỳ Festival Huế. Bởi không chỉ có sự tham gia của các nhà sư và phật tử, Lễ Phật Đản còn là lễ hội lớn của xứ Huế, đã thu hút hàng vạn nhân dân Huế và du khách thập phương tham gia.

Cũng phải kể đến hai ngôi chùa Huế nổi tiếng mà du khách đến Huế nên đến một lần. Đó là chùa Thiên Mụ và chùa Từ Hiếu.

Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại Bà tiên áo đỏ chọn đất đóng đô cho Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, mở rộng và phát triển từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, chùa Thiên Mụ đã được vua Thiệu Trị  xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất thần kinh) và ngày nay vẫn là biểu tượng tâm linh của người dân Cố đô.

Tiếp đó là chùa Từ Hiếu được xây dựng vào năm 1843, gắn với câu chuyện cảm động về việc Thiền sư Nhất Định đã mua cá về để nấu cháo cho mẹ đang lâm trọng bệnh. Chuyện đến tai vua Tự Đức, cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của sư Nhất Định nên vua đặt tên là Từ Hiếu Tự. Năm 1848, chùa được các vị quan lại trong cung triều Nguyễn và nhất là các vị thái giám cùng đóng góp trùng tu tôn tạo quy mô hơn để lo việc thờ tự sau này. Do đó, Chùa Từ Hiếu là ngôi chùa có nghĩa trang thái giám “có một không hai” ở Huế và ở Việt Nam.

Cần nói thêm rằng, Festival Huế ra đời từ năm 2000, đến nay đã qua chín kỳ lễ hội. Festival Huế là sự kiện văn hóa lớn nhất của Thừa Thiên – Huế nhưng lại mang tầm vóc quốc gia và thế giới. Do đó, cần có sự đầu tư và sự đổi mới nhiều hơn đối với Festival Huế để thu hút ngày một nhiều hơn du khách nội địa và du khách quốc tế.

Sắp tới đây, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 27-4 đến ngày 2-5-2018. Mong rằng, các nhà nghiên cứu sẽ lưu tâm đến vấn đề “Hạ - an lạc giữa mùa sen” trong Festival Huế.

N.V.T