Được điểm tô bởi điệp trùng núi đá vôi hình thành cách đây khoảng 250 triệu năm, hàng chục hồ, đầm nước, hang động cùng nhiều di tích khảo cổ học và di tích lịch sử, Tràng An đẹp đến ngỡ ngàng.
 


Theo các nhà địa chất, Tràng An (Ninh Bình) xưa là vùng biển cổ. Trải qua quá trình vận động địa chất, mẹ thiên nhiên đã tạo nên một vùng non xanh nước biếc đẹp như tranh với điệp trùng núi đá vôi in bóng xuống hơn 30 mặt hồ, đầm nước được nối thông bởi gần 50 hang động, trong đó có những hang xuyên nước dài hàng cây số. Có hang lung linh thạch nhũ, có hang rộng - hẹp biến đổi bất ngờ, có hang “lưu giữ” nhiều bình gốm, hũ, vại và đồ vật dùng để nấu rượu. Tương truyền rằng người xưa đã vào hang này nấu rượu để tiến vua…

Vào thế kỷ thứ XIII, khi đặt chân đến Tràng An, Phật hoàng Trần Nhân Tông - ông Tổ của Thiền phái Trúc Lâm - đã phác họa vẻ đẹp của một vùng trời mây non nước hòa quyện:

“Lòng khe in ngược bóng cầu hoa

Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà

Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ

Mây giăng như mộng tiếng chuông xa”


Đó là những câu thơ trong bài Vũ Lâm thu vãn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, do phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh dịch.

Nhiều người ví quần thể danh thắng Tràng An là “Bảo tàng địa chất ngoài trời”, “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng này không chỉ độc đáo dưới cái nhìn của các nhà địa chất mà còn độc đáo bởi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và lịch sử.

Trong quần thể danh thắng Tràng An, hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện trong các hang động, mái đá và thềm đất cát ven chân núi, lặng lẽ kể với thế hệ sau về cuộc đấu tranh sinh tồn của người tiền sử khi môi trường sống biến đổi, ít nhất là từ 23.000 năm trước đến nay. Những di tích khảo cổ học cho thấy người Tràng An xưa biết sử dụng đá vôi để làm công cụ lao động và biết làm đồ gốm. Tại đây, các nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục, từ thời đại đồ đá cũ qua thời đại đồ đá mới rồi đến thời đại đồ sắt, đồ đồng. Hang Trống là nơi phát hiện nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000 đến 30.000 năm trước. Hang Bói là nơi có dấu ấn của cư dân cổ sống cách đây từ 5.000 đến 30.000 năm. Hang Mo, hang Cò, hang Trâu, hang Hũ Ngoài và hang Hũ Trong lưu dấu ấn văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đa Bút. Mái đá Hang Chợ có dấu tích văn hóa Hòa Bình cách đây hơn 10.000 năm.

Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về mặt địa chất và khảo cổ học, quần thể danh thắng Tràng An còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt lịch sử. Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân và thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. Hoàng đế đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô xưa gồm 3 vòng thành: thành Đông giáp với vùng đồng bằng, là nơi có cung điện; thành Tây (còn gọi là thành Nội) giáp với núi non là nơi ở của quan lại và là khu vực hậu cần; thành Nam là vùng núi non hiểm trở để phòng thủ, làm lá chắn cho kinh thành. Tương truyền rằng, để khẳng định vị thế của nước Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư, hoàng đế sai người làm câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Đến năm 1010, vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Cái tên Tràng An gắn với cố đô Hoa Lư từ đó.

Không chỉ là nơi che chở cho kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thế kỷ thứ X, Tràng An còn là hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông xâm lược trong thế kỷ thứ XIII. Riêng khu vực thành Nam của cố đô Hoa Lư cũng có nhiều di tích lịch sử gắn với triều đại nhà Đinh, như đền Trình - nơi thờ hai công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù; đền Trần - còn có tên là đền Nội Lâm, do Đinh Tiên Hoàng xây dựng, là nơi thờ thần Quý Minh - vị thần trấn giữ cửa ải phía Nam Hoa Lư tứ trấn; phủ Khống - nơi thờ 7 trung thần triều Đinh.

Đến Tràng An, nhiều người ngỡ ngàng trước bức tranh non xanh nước biếc, hang động kỳ vĩ, cảm nhận phần nào sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên qua hàng trăm triệu năm và nghe núi sông rì rầm những câu chuyện xưa cùng bao huyền tích đã làm nên vẻ đẹp trác tuyệt cho vùng đất này.
 

Theo Báo Phú Yên