Thông tin tới Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và chương trình khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025 tại Quảng trường Vạn Xuân có các hoạt động: Trưng bày ảnh đẹp văn hóa, thể thao, du lịch Thái Nguyên; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, “Tinh hoa ẩm thực Thái Nguyên” và trình diễn văn hóa phi vật thể; Trình diễn áo dài Việt Nam gắn với văn hóa chè; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên gắn với quảng bá du lịch; Tổ chức giải Cờ tướng Bát kiệt, Bát tiên - Hương trà Thái Nguyên lần thứ 2 năm 2025; Giải vô địch Câu lạc bộ Yoga quốc gia năm 2025; trình diễn khinh khí cầu; trưng bày sinh vật cảnh; tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ võ cổ truyền quốc gia năm 2025; Giao lưu võ thuật Việt Nam - Triều Tiên...

leftcenterrightdel
 Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trọng Tài)
Cùng thời gian, các huyện, thành phố cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; các khu, điểm đến mở cửa đón khách nhân kỳ nghỉ 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Trong đó có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị xúc tiến du lịch, giới thiệu chương trình Tuần văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội; Vận hành chuyến tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên...
leftcenterrightdel
 Khu di tích Quốc gia 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái. (Ảnh: Trọng Tài)
Được biết, với con số 3,4 triệu lượt khách đến với Thái Nguyên năm 2024 và tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 3.100 tỉ đồng, ngành Du lịch Thái Nguyên đã có một năm bứt phá, tạo dấu ấn sâu sắc với du khách bằng những trải nghiệm “từ trái tim đến trái tim”. Du lịch xứ trà đã và đang khẳng định vị thế trên bản đồ điểm đến du lịch của Việt Nam.
Theo đó, Thái Nguyên hiện phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE; du lịch thể thao, khám phá hang động.
leftcenterrightdel
 Du lịch cộng đồng đã và đang được xây dựng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. (Ảnh: Trọng Tài)
Tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.
leftcenterrightdel
 Hồ Núi Cốc trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch tại Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Tài)

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đưa vào khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà: Di tích Lý Nam Đế (TP Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) - đền Đuổm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa - Thiền viện trúc lâm Tây Trúc - Di tích núi Văn, núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ). Tại các địa phương đã tích cực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng để phát triển du lịch. Hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như sân golf, phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn...

Để đạt được kết quả này, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Thái Nguyên đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong, ngoài tỉnh; cung cấp danh sách và thông tin các điểm đến đẹp, đặc sắc của tỉnh để tích hợp vào ứng dụng Map 3D/360 TP Hồ Chí Minh; triển khai chương trình “Happy Tết 2024” tại Hoàng thành Thăng Long (TP Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Thái Nguyên thực hiện dòng sản phẩm: Du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà. (Ảnh: Trọng Tài)

Tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các hoạt động quảng bá điểm đến của Thái Nguyên tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, tư vấn điểm đến của tỉnh trên Website du lịch Thái Nguyên; Cổng du lịch thông minh và trên các mạng xã hội.

Chủ trương phát triển du lịch của tỉnh là hướng tới sự bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, Thái Nguyên chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó có đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và đội ngũ những người làm công tác du lịch. Các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bài bản, sẵn sàng đón tiếp, phục vụ du khách bằng các dịch vụ tốt nhất hiện có. Các cơ sở liên quan đến hoạt động du lịch đã chủ động sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan, quán triệt đến cán bộ, nhân viên phục vụ với tinh thần “Vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”.

Bên cạnh đó, các thành viên trong Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có sự gắn kết linh hoạt, tạo được tour, tuyến du lịch chất lượng cao, kể từ khâu vận chuyển hành khách, tham quan trải nghiệm điểm đến, các dịch vụ ẩm thực, lưu trú và mua sắm…Qua đó tạo uy tín tốt đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Thái Nguyên, hứa hẹn có thêm một mùa du lịch ấn tượng và đặc sắc.

Trọng Tài