leftcenterrightdel
 Đông Ba là chợ lâu đời và có quy mô lớn nhất ở Huế.

Chợ Đông Ba là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế có lịch sử hơn 115 năm. Chợ Đông Ba được xây dựng đầu tiên dưới thời vua Gia Long, nằm tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba) của kinh thành Huế. Sau biến cố kinh thành Huế năm 1885, chợ này bị thực dân Pháp triệt hạ. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là chợ Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Sau chiến tranh, vào năm 1987, chợ Đông Ba được trùng tu và mang kiến trúc như ngày nay với lầu chuông trung tâm và 9 dãy nhà bao quanh. Hiện chợ có 2.700 lô, là khu chợ tập trung tiểu thương và khách du lịch lớn nhất của Huế.

Mỗi ngày, chợ Đông Ba thu hút khoảng 5-7.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến Huế và ghé chợ Đông Ba mua sắm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đánh giá hiện trạng để cải tạo, nâng cấp theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển.

Ông Trần Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tỉnh đã thành lập hội đồng để đánh giá hiện trạng chợ Đông Ba, sau đó sẽ lấy ý kiến của tiểu thương trước khi lên phương án nâng cấp hay xây mới chợ. Đây là cách để đánh giá, rà soát hệ thống quản lý, chất lượng công trình chợ Đông Ba để lên phương án nâng cấp, có thể là chợ đầu mối, hoặc chợ du lịch, hoặc kết hợp cả hai. Dự kiến, lãnh đạo tỉnh sẽ vận động thêm một số hàng ăn nổi tiếng vào kinh doanh ở chợ để người dân, du khách sau khi tham quan mua sắm có thể thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của Huế.

Theo dự kiến, khu vực từ đường Chương Dương đến cầu Gia Hội cũng được đưa vào nghiên cứu để mở rộng diện tích chợ Đông Ba, đồng thời bố trí các mặt hàng phù hợp, khu giữ xe, khu dừng chân nghỉ ngơi cho du khách… Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng việc khôi phục lại nét đẹp văn hóa trong kinh doanh, như vận động tiểu thương mặc áo dài, không nói thách, biết ngoại ngữ… để vừa giữ được phần “hồn” của chợ Đông Ba, vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tham quan cho du khách, trở thành điểm đến không thể thiếu khi đến Huế, ông Khanh nói thêm.

leftcenterrightdel
 Năm 2012 tiểu thương đã từng phản đối việc phá cũ, xây mới chợ Đông Ba.

Thông tin việc cải tạo chợ Đông Ba hiện nay cũng khiến nhiều tiểu thương lo lắng, còn nhớ năm 2012 khi thành phố Huế xem xét chủ trương nghiên cứu đầu tư xây mới chợ Đông Ba đã bị tiểu thương phản đối. Tại các buổi lấy ý kiến năm 2012, hầu hết ý kiến tiểu thương chợ Đông Ba không đồng tình việc đập bỏ để xây mới chợ. Quan điểm của tiểu thương là việc xây mới sẽ đánh mất tính truyền thống của chợ đã tồn tại hơn 115 năm và đã trở thành một địa danh văn hóa của Huế. Nhiều tiểu thương tỏ ra lo lắng, nếu chợ được xây dựng, tiền đấu lô, phí chợ sẽ tăng, nhiều người sẽ không đủ khả năng tham gia… Nhiều ý kiến cam kết sẵn sàng đóng góp cùng Nhà nước theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để sửa chữa, chỉnh trang khu chợ đang chật chội, xuống cấp như hiện nay...  

Chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chợ Ðông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng.

P.V