Du lịch biển đảo đang là loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nóng và bất cập trong công tác quản lý, xả rác và rác thải là vấn nạn khiến không ít khu du lịch biển đảo nhanh chóng đánh mất vẻ hoang sơ và sức hút của nó.
 
Hai ba năm trở lại đây, thôn đảo Điệp Sơn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) trở thành một địa chỉ “nóng”, điểm du lịch mới lạ trên bản đồ du lịch biển đảo, từ những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội. Nhờ sự hoang sơ chưa từng được khai phá và cảnh quan thơ mộng cùng với con đường trên biển lung linh dưới mặt nước khi thủy triều xuống, Điệp Sơn đã tạo được một sức hút khó cưỡng.
 
Điệp Sơn gồm một vệt 6 đảo nằm giữa vịnh Vân Phong. Ba đảo lớn nhất nằm kề nhau là Hòn Ó, Hòn Quạ, Hòn Bịp, nối với nhau bằng những dải cát ngầm. Khi thủy triều xuống, khoảng giữa các đảo lộ ra con đường mờ ảo lung linh dưới mặt nước biển, ở độ sâu 0,5- 0,7 m, có thể lội qua. Trong vòng non một giờ đồng hồ sau đó, thủy triều xuống thấp hơn, để lộ những con đường cát mềm mại, vàng óng, nổi bật giữa mặt biển xanh thẫm. Không chỉ cuốn hút bởi cảnh quan lãng mạn, khám phá cuộc sống của người dân trên đảo, cùng với việc mò cua bắt ốc trên những bãi cạn lúc thủy triều xuống là những trải nghiệm vô cùng thú vị, nhất là đối với giới trẻ.
 
Khuất sau những hình ảnh lãng mạn được chia sẻ trên mạng xã hội là một Điệp Sơn ngập rác. Khi thủy triều xuống, vô số rác bị trôi dạt nằm lại trên những doi cát nối giữa các đảo. Dọc con đường mòn men theo mép sóng qua các đảo, rác thải đủ loại ngập ngụa, từ chai lọ, vật dụng sinh hoạt đến các vỏ bao thức ăn nuôi trồng thủy sản, xác động vật chết,.. Rác trên bờ, rác dưới bãi cạn và cả dưới mặt nước.
Ông Trịnh Minh Đại Anh, chủ cơ sở du lịch trên đảo Phật Nằm (Hòn Ó) chuyên tổ chức tour du lịch sinh thái tại Điệp Sơn cho biết, rác thải từ nhiều nguồn, rác do du khách bỏ lại trên đường tham quan đảo, rác sinh hoạt của cư dân, rác trôi dạt từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh vân Phong. “Rác thực sự là vấn đề của Điệp Sơn. Hàng ngày chúng tôi bố trí bốn, năm nhân lực thu dọn rác nhưng cũng không xuể. Gom hôm trước, thủy triều lên rác lại trôi về”- ông Đại Anh nói.
 
Trưởng thôn Điệp Sơn Nguyễn Ngọc Mẫn, chia sẻ: “Rác là vấn đề chúng tôi đang rất trăn trở, nó làm xấu hình ảnh, thương hiệu Điệp Sơn. Rác quá nhiều và ngày một tích tụ. Chúng tôi có huy động kinh phí từ các doanh nghiệp trên địa bàn để thuê nhân công thu gom rác hàng tháng. Nhưng số tiền huy động chỉ được hơn hai triệu một tháng, nên việc thu gom rác không thể triệt để và cũng chỉ thực hiện được quanh phạm vi khu dân cư ở Hòn Bịp, còn các đảo khác, việc thu gom rác chưa thực hiện được, chúng tôi đang đề nghị xã, huyện hỗ trợ…”.
 
Ở Khánh Hòa, ngoài Điệp Sơn, “tứ Bình”, gồm Bình Hưng, Bình Tiên, Bình Lập và Bình Ba, là những hòn đảo trong vịnh Cam Ranh đang nằm trong danh sách “hót” về du lịch (thực ra Bình Tiên thuộc tỉnh Ninh Thuận, nằm giáp ranh với Khánh Hòa). Trong số này, Bình Ba, hòn đảo rộng 3km2 có hơn 5.000 cư dân sinh sống nằm cách bờ 20 phút đi xuồng, có thể được cho là hấp dẫn hơn cả. Mỗi ngày, hòn đảo nhỏ này là nơi “chen chân” của cả ngàn du khách tới thăm quan. Cùng với lượng khách du lịch quá tải cho một hòn đảo nhỏ, là rác. Rác hiện diện khắp nơ với đủ loại, đủ màu, gồm phần nhiều là túi ni lông, chai lọ nước giải khát, hộp đựng thức ăn, bao bì thức ăn nuôi trồng thủy sản,... Rác từ bến thuyền, cầu cảng, các lối đi và khoảng trống trong khu dân cư, đến các ki ốt, dọc những con đường và bãi biển. Không chỉ trên cạn, trong phạm vi hàng chục ha của khu nhà hàng bè nổi, rác đầy dưới mặt nước.  
Ở đảo Bình Hưng, rác là một thực trạng nhức nhối. Ngoài rác trong các khu dân cư và bãi cát, rác quanh trụ sở các cơ quan, tại các bến thuyền và mặt nước nơi có các nhà hàng bè nổi, qua làn nước trong có thể nhìn thấy vô số rác nằm dưới đáy biển.
 
Tại vịnh Vĩnh Hy, một vịnh đẹp của vùng Nam Trung Bộ, địa danh nổi tiếng của Ninh Thuận, nơi địa phương đang mời gọi những dự án đầu tư du lịch quy mô lớn, rác nhức mắt giữa làn nước xanh. 
Mũi Né, địa danh du lịch nổi tiếng của Bình Thuận có tên trên bản đồ du lịch quốc tế, rác cũng đã ở mức báo động đỏ. Dưới những rặng dừa duyên dáng ngả bóng xuống những bãi tắm thoai thoải, cong vút, đầy những rác và rác...
 
Nguyễn Huân