(BVPL) - Người đàn ông nhỏ nhắn, lưng gù, dáng vẻ hiền hậu lật giở từng xếp tài liệu cũ mèm, miệng vanh vách kể cho người khách trẻ những trận chiến ác liệt để giải phóng miền Nam. 

 

 
Hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội của ông Đô lại chia làm 2 mũi, cùng với xe tăng của Đại quân tiến vào Sài Gòn, thẳng tới dinh Độc Lập làm nhiệm vụ chiến đấu và chỉ đường. Chiếc xe tăng ông Đô ngồi đi thứ hai.
 
Sau khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh độc lập, chiếc xe tăng chở Thượng sĩ Đô cùng Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên dinh Độc lập)… vòng theo phía tay trái tiến lên. 
 
Ngay lập tức, Thượng sĩ Phạm Duy Đô đã chạy lên ban công của dinh Độc lập, vẫy cờ giải phóng để ra hiệu cho xe tăng tiến vào. “Khi ấy, toàn bộ Trung đoàn Đặc công đã bao vây dinh Độc lập. Và địch đã chịu bỏ giáp đầu hàng,” ông Đô nhớ lại.
 
Sau khi ra hiệu cho xe tăng tiến vào, ông Đô cùng đồng đội đã phát hiện toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 đã kịp thời bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn. Và, tướng Dương Văn Minh-Tổng thống Ngụy quyền đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
 
Ước vọng giản đơn
 
Sau giải phóng, Phạm Duy Đô được cử về tiếp quản quận Thủ Đức, làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới. Sau đó, ông đã xin giải ngũ vào năm 1983.
 
Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công và được tặng rất nhiều phần thưởng cao quý như 2 Huân chương Chiến công hạng Hai; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt cơ giới; Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng 2, 3…, Thượng úy Phạm Duy Đô [ông Đô được phong Thượng úy năm 1976] đã góp phần không nhỏ trong những trang sử vẻ vang của Binh chủng Đặc công nói riêng, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung.
 
Về quê, ông cùng vợ - cũng là một bộ đội giải ngũ trở lại cuộc sống nông nghiệp và sinh con, có cháu. Thế nhưng, chiến thắng nào cũng phải trả giá, vóc dáng cao to lực lưỡng của người chiến sĩ năm nào nay như đã co lại. Ông trở thành một người gù nhỏ bé, không có nhiều sức khỏe bởi những cơn đau hành hạ khi trái nắng, trở trời.
 
Không những thế, con và cháu nội của ông Đô đã nhiễm di chứng chất độc hóa học do cuộc chiến tàn khốc để lại. Cuộc sống vất vả với trợ cấp thương binh hạng 2/4 và tiền trợ cấp chất độc hóa học (được lĩnh từ năm 2012) ít ỏi, nhưng vợ chồng ông Đô không lấy thế làm phiền lòng. Họ vẫn kể cho con cháu, hàng xóm nghe những chiến công năm xưa, về vinh dự khi được làm người lính bộ đội cụ Hồ, về ý chí quật khởi của những năm tháng hào hùng toàn dân tộc…
 
Khi nhắc đến sự đãi ngộ, ông Đô chỉ cười hiền, bởi khi khoác áo lính, mong ước duy nhất của ông chính là ngày quê hương giải phóng, đất nước thanh bình. 
 
Trong tâm thức của người cựu chiến binh đặc công anh dũng năm xưa ấy, giờ chỉ có một mong muốn tột đỉnh: “Tôi chỉ ước đồng đội còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường năm xưa sẽ được đoàn tụ với người thân trong một ngày gần đây,” ông Đô nghẹn giọng.
 
Nói như người chú ruột của ông Đô, một thương binh hạng 1/4, thì gia đình của ông có 8 người đi bộ đội, 1 là liệt sĩ và 2 là thương binh nặng. Và, đại gia đình của họ đã “mãn nguyện vì đã làm tròn nghĩa vụ với Đảng, với nhân dân”./.
 
Bài 4: Đặc công QĐND VN luôn sẵn sàng mọi tình huống
 
Trung Hiền
(Vietnam+)