Ts. Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng đang là thách thức đối với ngành du lịch trước yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

 

Hiện cả nước có 1.035.000 người làm việc trong ngành du lịch. Chỉ có khoảng 20% trong số này qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên, trong đó có bằng đại học đúng ngành nghề chỉ chiếm 3,11%. Trong khi đó, ngành du lịch tạo ra nhiều việc làm. Hiện nay, có gần 2 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch và những ngành nghề liên quan đến du lịch, trong đó trên 500 ngàn lao động trực tiếp và trên 1,2 triệu lao động gián tiếp.

Năm 2015, Việt Nam cần 620 ngàn lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp. Năm 2020 cần 870 ngàn lao động trực tiếp và trên 2500 lao động gián tiếp. Trong đó, số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người/năm. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi chất lượng lao động của ngành du lịch hiện chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Du lịch Việt Nam hiện đã phát triển trên 2 con số, đòi hỏi nhiều loại nhân lực cho ngành này. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trung và cao cấp. Bà Phùng Thanh Yến - Giám đốc nhân sự khách sạn Movenpick Hà Nội nhận định: “Nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, khách sạn hiện nay thiếu trầm trọng. Nguồn nhân lực trẻ người Việt, có kinh nghiệm giữ vị trí cao cấp gần như không có, các bạn hầu như thiếu nhiều kỹ năng, giao tiếp, tiếng Anh, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi thấy nguồn sinh viên du học nước ngoài khá tốt, khả năng tiếng Anh tốt, tuy nhiên kỹ năng quản lý còn thiếu”.

Theo bà Yến, hiện nay, trên thị trường tuyển dụng nhân sự cao cấp từ cấp phó phòng trở lên cho ngành du lịch rất khó khăn. Tuyển dụng trên các trên web, ứng viên đòi hỏi mức lương quá cao, gần như không tưởng. Dự kiến mức lương chúng tôi trả cho thì gần như không có khả năng. Nhiều bạn đi du học tốn nhiều tiền, nhưng các bạn kỳ vọng khi trở về đạt được mức lương cao quá mức so với mức chi trả của khách sạn. Vì vậy, tỷ lệ các bạn du học sinh về nước làm trái nghề khá nhiều.

Đồng quan điểm với bà Yến, ông Kaimarcus Schroter cho rằng, Việt Nam có một tiềm năng du lịch lớn nhưng nguồn nhân lực tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là nhân sự trung và cao cấp. Vì vậy, Việt Nam cần phát triển bền vững về nguồn nhân lực. Nếu không, đến năm 2015, trong ASEAN thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch, nguồn nhân lực trung và cao cấp từ các nước như Philippines, Myanmar… sẽ đảm nhiệm những vị trí điều hành, trưởng bộ phận tại các doanh nghiệp, nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần phải thận trọng và đầu tư phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững.

 

Theo CAND online

.