Dù hoa quỳ, hoa cải, hoa cỏ… năm nào cũng có, nhưng gần đây, smartphone và những bức ảnh đẹp đã lôi cuốn du khách đến huyện nông thôn mới Đơn Dương rất đông, tạo nên một hiệu ứng du lịch rất rõ. Nhưng ngoài những mùa hoa, Đơn Dương còn có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và những công trình kiến trúc lạ. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách gì “đánh thức” tiềm năng du lịch ở vùng đất giàu bản sắc của nhiều dân tộc anh em này…

 


Thách thức và cơ hội
 
“Đi ba ngày không hết” - đó là nhận xét của chị Mai Vân (phường 6 - Đà Lạt), sinh ra và lớn lên ở Đơn Dương. Thỉnh thoảng chị vẫn cùng con cháu và bạn bè “về quê” cắm trại, bắt cá, nướng thịt, lan man trên đồng ruộng, lang thang đến các buôn làng… Năm 2011, chính quyền huyện Đơn Dương đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2011-2015, với các loại hình du lịch sinh thái gắn với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp, du lịch sinh thái kết hợp với mô hình trang trại… Đồng thời, hình thành nhiều tour tuyến đến các danh lam thắng cảnh gắn với tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm lao động và thưởng thức ẩm thực cùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
“Nhưng, vấn đề không phải dễ!” - ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, chia sẻ - “Đơn dương mong muốn thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Sản xuất ở Đơn Dương rất tốt rồi, kể cả trong trồng trọt và chăn nuôi, nhưng lại chưa thu hút được ở khâu chế biến, nên hàng hóa vẫn ở dạng thô, sơ chế. Tiềm năng du lịch của Đơn Dương rất đa dạng, nhưng chưa được khai thác. Từ hiệu ứng của những mùa hoa, cùng với định hướng phát triển và hiệu quả truyền thông, hy vọng sẽ dần hội tụ được những điều kiện thuận lợi về kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch giúp Đơn Dương thực hiện được ước mơ của mình”.
 
Định hướng phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Đơn Dương chính thức là một phần của Đà Lạt trong quy hoạch phát triển. Năm 2015, Đơn Dương là huyện đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lâm Đồng, nên cơ sở hạ tầng của Đơn Dương đã được đầu tư khá đồng bộ… Đây là điều kiện thuận lợi để Đơn Dương có cơ hội giới thiệu mình ở hiện tại và trong tương lai về thiên nhiên, về thế mạnh, về con người và mở ra các hoạt động thu hút du lịch, thu hút đầu tư cùng chính quyền và nhân dân chung tay, góp sức phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Hiệu ứng từ những mùa hoa là tín hiệu quảng bá, phát triển du lịch Đơn Dương rất tốt. Nếu tận dụng được lợi thế này, Đơn Dương có thể vừa tiếp tục khai thác tiềm năng về kinh tế, vừa thu hút du lịch. và những mùa hoa sẽ tác động trực tiếp để mở ra các điểm, các tuyến du lịch ở Đơn Dương, để du khách được hòa vào cuộc sống lao động của người nông dân hiền lành và đắm mình trong thiên nhiên để cảm nhận hết cái “chất” mộc mạc, dân dã mà thân thuộc và quyến rũ của vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn chạy dọc đôi bờ sông Đạ Nhim trong vắt và tươi xanh này!

 

Theo Báo Lâm Đồng

.