Nhân Ngày Di sản Việt Nam 23-11, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra hoạt động kỷ niệm với Triển lãm ảnh Vọoc Chà Vá chân nâu – Báu vật Sơn Trà của nhiếp ảnh Lê Phước Chín và ra mắt quyển sách Ký sự Sơn Trà của nhà văn Bùi Công Dụng - nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, tác giả sách “Ký sự Sơn Trà".
 
   
Vọoc Chà Vá chân nâu - một báu vật của Sơn Trà qua góc ảnh của Lê Phước Chín
Vọoc Chà Vá chân nâu - một báu vật của Sơn Trà qua góc ảnh của Lê Phước Chín
 
Hoạt động này có sự hiện diện của ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, người đã liên tục lên tiếng mạnh mẽ về việc bảo vệ giá trị độc đáo của Sơn Trà và bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cùng nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội tên tuổi.
 
Tại đây, câu chuyện bảo vệ bán đảo Sơn Trà (nơi được mệnh danh là một báu vật thiên nhiên - mà thiên nhiên ban ban tặng cho Đà Nẵng, Việt Nam) trước sự phá rừng, san núi của những dự án xây dựng resort nghỉ dưỡng từng gây chấn động xã hội cách đây không lâu đã được những người trong cuộc kể lại.
 
Bức ảnh gây chấn động
 
Ông Huỳnh Phước Vinh cho biết Sơn Trà là một khu rừng cổ nằm ven bờ biển với sự đa dạng sinh học độc nhất vô nhị Việt Nam, hiếm có trên thế giới với một cây đa nghìn năm tuổi, những cây hàng trăm năm tuổi và thảm cỏ, rặng san hô ven biển… Sơn Trà còn có vị trí chiến lược quốc phòng mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” thời chiến tranh. Ở Sơn Trà có loài Voọc Chà Vá chân nâu thuộc hàng những con vật đẹp nhất thế giới, quý hiếm nhất thế giới, xếp thứ hai trong Sách Đỏ, được mệnh danh là “Nữ hoàng linh trưởng”. Vậy nên ông và những bạn bè của mình quyết bảo vệ báu vật Sơn Trà cho con cháu.
 
Câu chuyện bảo vệ Sơn Trà bắt nguồn từ một tấm ảnh của nhiếp ảnh Lê Phước Chín – người đã quần nát Sơn Trà để chụp hơn 5.000 bức ảnh Vọoc Chà Vá chân nâu, thú rừng và cảnh vật Sơn Trà, từng được các tạp chí quốc tế mua bản quyền sử dụng. Anh Chín kể trong một lần đi chụp ảnh nhiều tháng trước, anh phát hiện núi rừng Sơn Trà đang bị san lấp nham nhở. Anh đến hỏi và chụp hình nhưng bị bảo vệ cản trở. Anh bèn đi ra xa vài trăm mét tìm cách chụp ảnh. Anh bỏ ảnh mình chụp Sơn Trà bị đào xới nham nhở lên Facebook để hỏi có ai biết vì sao Sơn Trà bị phá hay không.
 
Bức ảnh tạo ra một cơn bão like, comment và sự quan tâm dữ dội của cộng đồng mạng. Sự quan tâm còn dữ dội hơn khi bức ảnh được đưa vào trang web diễn đàn của chính quyền Đà Nẵng.
 
Lúc này nhiều bức ảnh khác chụp sự lở loét, bị tàn phá của Sơn Trà do nhiều người chụp được cung cấp thêm tạo nên một làn sóng phản đối phá Sơn Trà bảo vệ Sơn Trà mạnh mẽ, đứng đầu là ông Huỳnh Phước Vinh. Chính quyền Đà Nẵng khi đó mới giật mình về việc Sơn Trà đang bị phá, nhiều ban ngành, cơ quan quản lý trong tỉnh cũng giật mình vì không hay biết gì về việc này.
 
Thứ trưởng gọi điện "xin lỗi"
 
Nhà văn Bùi Công Dụng kể tại Đường Sách, khi tìm hiểu về sự phá núi rừng Sơn Trà xây biệt thự, làm resort, khách sạn, ông phát hiện ra không hề có hồ sơ về đánh giá tác động môi trường khi những dự án phá Sơn Trà được phê duyệt. Trong khi đó luật quy định bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải có hồ sơ công trình đánh giá tác động môi trường.
 
Ngoài ra, luật quy định bất cứ thứ gì xây dựng trên Sơn Trà quá 50 ha là phải báo cáo Quốc hội, có ý kiến Thủ tướng. Ở đây, đã có 1.600 ha ở Sơn Trà được san lấp xây dựng nhưng không hề trình Quốc hội và có ý kiến Thủ tướng. Vậy nên nhà văn đã cố công thu thập rất nhiều tài liệu và càng tìm hiểu càng phát hiện ra rất nhiều điều bất bình thường đến mức viết được cả tập sách Ký sự Sơn Trà.
 
khỉ sơn trà
 
Chính vì sự tàn phá Sơn Trà sai luật này ông Huỳnh Tấn Vinh đã viết thư gửi Thủ tướng yêu cầu rà soát, xem xét lại việc phá Sơn Trà. Ông khởi động phong trào ký tên bảo vệ Sơn trà thu được hàng trăm ngàn chữ ký khiến báo chí, dư luận cả nước sôi sục.
 
Ông Vinh kể thời điểm vài tháng trước, khi câu chuyện đang nóng sốt, ông phải đơn thân phó hội tại Hà Nội để tham gia một hội thảo - tọa đàm về quy hoạch Sơn Trà theo thư mời của Bộ VH-TT&DL, theo yêu cầu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (người đã ký phê duyệt việc qui hoạch cho phép xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở Sơn Trà).
 
“Tôi thấy mình như một tiếng chim lẻ loi giữa một bầy chèo bẻo ở một hội thảo 90% đã dàn xếp trước. Tôi cầm chắc mình ra đi là sẽ có chuyện, chưa chắc là được an toàn trở về với bà xã. Bởi ngoài sức ép của các cơ quan chính quyền, sức ép của xã hội đen cũng dữ dằn. Họ hăm dọa gia đình tôi, ba mẹ tôi nói “Kêu thằng Vinh về chứ không còn người thờ cúng, đám giỗ ông bà đâu”.
 
Tôi nói với Dụng (nhà văn Bùi Công Dụng) hơi run anh Dụng ơi, nhưng thôi khí sắc người Quảng Nam mình cứ tới luôn. Anh Dụng nói “Vinh cứ đi, mình sẽ chuẩn bị các văn bản pháp lý cho ra đó Vinh nói”. Ra thì xin lỗi, toàn “chèo bẻo” nhưng mình cũng nói được tiếng nói của mình. Rất vui rằng dầu là những người ngoài đó đã chuẩn bị trước nhưng khi mình nói tiếng nói của lương tâm, của Sơn Trà cuối cùng cũng được hoan nghênh.
 
Tôi nhớ hoài, kết thúc tọa đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (người ký quyết định quy hoạch bán đảo Sơn Trà) hỏi tôi rằng chọn bao nhiêu phòng, 1.600 phòng, 3.000 phòng hay 5.000 phòng. Tôi nói, thưa Phó Thủ tướng tôi không chọn phòng nào hết, chúng tôi xin chọn Sơn Trà và chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng.
 
Cuối cùng công phu một hội thảo như vậy báo chí về đều giật tít câu “Chúng tôi chọn Sơn Trà” nên đã lay động được toàn xã hội. Ngoài bài hát Hãy bảo vệ Sơn Trà còn có đến hơn 20 bài hát về Sơn Trà được các nghệ sĩ sáng tác. Bởi vì không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, thức ăn chúng ta ăn là vấn đề môi trường. Mà môi trường chính là bán đảo Sơn Trà. Vấn đề Sơn Trà chính là cuộc sống của chúng ta” - ông Vinh tường thuật.
 
 
Ông Huỳnh Tấn Vinh, nhiếp ảnh Lê Phước Chín và bà Lê Tú Cẩm nhận hoa tại Đường Sách TP.HCM khí kể lại câu chuyện hậu trường bảo vệ Báu vật Sơn Trà
Ông Huỳnh Tấn Vinh, nhiếp ảnh Lê Phước Chín và bà Lê Tú Cẩm nhận hoa tại Đường Sách TP.HCM khi kể lại câu chuyện hậu trường bảo vệ Báu vật Sơn Trà
 
Vì đấu tranh bảo vệ Sơn Trà, ông Vinh cũng đã bị nhận một quyết định kỷ luật do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái ký. Tuy nhiên, đây là một quyết định sai luật nên báo chí và dư luận đã lên tiếng công kích dữ dội, bảo vệ ông Vinh.
 
“Sau khi có quyết định kỷ luật, trên đường đi Sài Gòn tôi đã nhận được cuộc điện thoại của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói về những áp lực phải ký quyết định kỷ luật tôi, những áp lực nặng nề từ dư luận, báo chí mà anh ấy phải chịu vì đã ký quyết định này. Anh ấy đã nói lời xin lỗi tôi và sau đó có công văn yêu cầu hủy quyết định trái luật nói trên” - ông Vinh hồi tưởng.
 
Ông Vinh cũng cho biết đã từng trao đổi qua Facebook với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam như sau: “Tôi biết anh Đam từng là sinh viên ở Bỉ, anh từng khoác ba lô vào thị sát Sơn Trà. Ở Bỉ có một cánh rừng mà đến cây đổ người ta cũng không sử dụng, chỉ xay cây gỗ lấy bột, rải lại vào rừng để nuôi rừng. Anh hãy đem sự bảo tồn rừng đó về Việt Nam. Nếu sau này con anh hỏi vì sao anh lại bê tông hóa bán đảo Sơn Trà thì anh sẽ trả lời thế nào với con anh”.
 
“Sau đó anh Vũ Đức Đam đã chuyển sang xu thế bảo vệ Sơn Trà, cho ý kiến sẵn sàng hủy quy hoạch bán đảo Sơn Trà, vấn đề Sơn Trà không giao khoán cho Đà Nẵng mà là chuyện của Chính phủ, cả nước. Chỉ cần 1-2 năm là có thể phá một cánh rừng nhưng để có cánh rừng như Sơn Trà phải có ngàn năm, để có vỉa san hô như Sơn Trà phải nhiều trăm năm hình thành, để có những giá trị tâm linh về Sơn Trà là ngàn đời.
 
Ông bà ta nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, những ai phá Sơn Trà đều đã gặp chuyện, những ai yêu Sơn Trà, gìn giữ Sơn Trà sẽ có được hạnh phúc” - ông Vinh bày tỏ tâm huyết.
 
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”
 
Câu chuyện về cánh rừng ngàn năm, triệu năm tuổi ở Sơn Trà trong dân gian vốn được lưu truyền nhiều trong dân gian. Riêng nhà nhiếp ảnh Lê Phước Chín đã thuật lại những câu chuyện tâm linh mà anh bảo là chuyện thật xảy ra với chính mình. Anh kể một lần chạy xe máy lên núi Sơn Trà một mình chụp ảnh, lúc xế chiều chạy xuống núi chụp cảnh hoàng hôn anh phát hiện một nhóm khoảng một chục bé gái nhỏ trên con đường độc đạo lên núi.
 
Chụp ảnh xong thì trời sập tối, anh nhớ rằng các cô bé vẫn chưa thấy xuống núi. Mà xung quanh các bé không có một chiếc ô tô chờ đón khách tham quan hay người lớn nào đi theo như thông thường cả. Anh chột dạ chạy ngược lên để kêu taxi đưa các bé xuống núi. Anh chạy hoài không thấy các bé đâu.
 
sơn trà

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" - nhiếp ảnh Lê Phước Chín đang cảnh báo đừng vì tham lam xâm hại Sơn Trà của muôn đời, kẻ xâm hại sẽ bị lãnh hậu quả. Ảnh: HÒA BÌNH

 
Chạy tiếp một đoạn anh gặp một đôi thanh niên nam nữ chở nhau bằng xe máy chạy trước. Anh hỏi thăm, họ bảo không thấy và nói sẽ dẫn anh đi tìm. Núi rừng tối om, chỉ có ánh đèn xe máy của anh chiếu dõi theo xe của đôi thanh niên phía trước. Chạy được hơn 3 km, đột nhiên đôi thanh niên này cũng biến mất tìm hoài không thấy. Anh Lê Phước Chín rùng mình, toát mồ hôi, bấm bụng, cắm cổ chạy vù vù xuống núi càng nhanh càng tốt.
 
Nhiếp ảnh Lê Phước Chín nói rằng chuyện tâm linh, linh thiêng ở Sơn Trà càng khiến anh tin tưởng hơn với câu chuyện về cái miếu cổ. Đường lên Sơn Trà có một ngôi miếu cổ xoay mặt ra biển mà ngư dân địa phương thường đến khấn vái yên lành khi ra khơi đánh bắt.
 
Khi xây dựng các biệt thự trái phép ở Sơn Trà, chủ đầu tư đã phá ngôi miếu cổ, xây mới ngôi miếu quay mặt vào công trình của họ. Vậy là một ngày kia công trình trái phép này bị anh phát hiện, chụp ảnh đưa lên mạng. Nhiều người, nhiều quan chức liên quan đến việc tàn phá núi rừng Sơn Trà đều phải gặp chuyện tai tiếng công khai ra dư luận.
 
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - nhiếp ảnh Lê Phước Chín nhắc lại lời nói của ông bà xưa để cảnh báo về việc phá rừng núi Sơn Trà.
 
Bán đảo Sơn Trà là một báu vật thiên nhiên của Đà Nẵng, Việt Nam, còn Vọoc Chà Vá chân nâu là một báu vật của Sơn Trà. Không đâu trên thế giới lại có thể dễ dàng tiếp cận loài thú quý hiếm này như ở Sơn Trà.
 
Nhiếp ảnh Lê Phước Chín kể chúng rất dạn dĩ với người vì tin rằng chúng không bị con người làm hại. Chúng có thể đi tới đi lui tạo mẫu, làm dáng cả buổi cho anh chụp ảnh như một người mẫu chuyên nghiệp. Chúng có những tập tính chẳng khác gì loài người và có cả sự đồng tính luyến ái khi anh phát hiện, chụp ảnh, quay phim được hai con đực đang quan hệ tình dục với nhau. 
 
 
Theo Hòa Bình / plo.vn