Bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Hà Nội đang trở nên cấp bách và đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc, bởi thực trạng phai nhạt bản sắc, mai một các giá trị văn hóa diễn ra ngày càng gay gắt.
 
 
Cùng với quan điểm này, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội” do Viện Bảo tồn di tích tổ chức mới đây, một số ý kiến chuyên gia đã đề cao vấn đề bảo tồn phải gắn liền với phát triển, giữ gìn cái cũ giá trị phải không được ngăn cản cái mới văn minh, tích cực, bảo tồn phải tôn trọng và gắn với lợi ích cộng đồng chủ thể của làng cổ… GS.TS.KTS Phạm Đình Việt cho rằng, vai trò của cộng đồng rất quan trọng vì họ là những người sở hữu các di sản một cách hữu hình và vô hình, họ cần được hưởng lợi nhuận tư nó nhưng đồng thời họ cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó một cách trung thực nhất. Nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực.
 
Bảo vệ gấp di sản
 
Như vậy, trên cơ sở những quan điểm, tinh thần bảo tồn làng cổ cùng các giải pháp mà các nhà nghiên cứu cố vấn, giới quản lý, thực hành bảo tồn cần chọn lấy những giải pháp phù hợp để sớm áp dụng. Và cũng không ngừng tranh thủ sự tham gia của giới nghiên cứu trong thực tế bảo tồn, phát huy để kịp thời điều chỉnh. Như GS Kính đề xuất thì nên coi làng cổ là di sản chứ không phải là di tích và cần phải mở rộng luật cho “mềm” hơn, vì Việt Nam nhiều di sản hơn là di tích, nhất là những di sản sống động. Còn GS Việt đề nghị xây dựng bản đồ làng cổ để từng bước xếp hạng và có các cấp độ bảo tồn khác nhau.
 
Với một góc nhìn trong bảo tồn làng cổ, TS.KTS Lê Quỳnh Chi - Trường ĐH Xây dựng cho rằng: Cần nhận diện và có các nghiên cứu chuyên sâu về giá trị giao thoa văn hóa Đông - Tây trong không gian kiến trúc cảnh quan làng ngoại thành Hà Nội. Cần nhìn nhận đây là một quỹ di sản riêng và có các ứng xử phù hợp. TS Chi cũng đề nghị giữ không gian xanh ngoài làng, có các quy định về thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan nhằm giữ gìn cổng làng, đồng thời tôn trọng kiến trúc truyền thống, duy trì cảnh quan truyền thống.
 
Nhiều nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến vấn đề giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, không gian làng quê, các công trình kiến trúc tâm linh, tín ngưỡng và nhà ở truyền thống. Nên chăng, trước khi có được những đề án, chương trình lâu dài, bảo tồn, phát huy di sản làng cổ Hà Nội, thì với các công trình truyền thống, sự vật của làng cổ như hệ thống cổng, đình, chùa, đền, miếu, cầu, quán, giếng nước, cây cổ thụ… thì nhà nước, TP Hà Nội cần đầu tư để các chuyên gia và cơ quan quản lý, xây dựng các bộ nguyên tắc hay quy định trong việc gây dựng, bảo vệ hay trả lại cảnh quan không gian phù hợp với quy mô công trình, sự vật. Cần đưa ra những quy định nghiêm khắc và kiên quyết trong việc bảo vệ và xử lý những xâm phạm đến diện tích mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng của các làng cổ.
 
Ngoài ra, một mảng rất thiếu lâu nay là những quy định và chế tài xử phạt trong hoạt động xây dựng vốn rất tự do, bừa bãi tại các làng cổ. Rất cần có những quy định đủ sức ràng buộc, răn đe, liên quan đến những khu vực được phép xây dựng, chiều cao cho phép, kiểu dáng kiến trúc… trong làng cổ, để người dân có điều kiện nâng cấp điều kiện sống nhưng không được gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung và các di tích, di sản trên địa bàn.
 
Theo Petro Times