Các tuyến đường trong lòng đô thị cổ Hội An với vết tích văn hóa phố của người Hoa vẫn còn đậm nét, những căn nhà, cửa hiệu vẫn còn nguyên đó. Ngược lại, những sầm uất của một thời thương cảng quốc tế cùng dãy phố Nhật của ngót 4 thế kỷ trước đã mất dấu cùng thời cuộc.
 
Theo nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, sau năm 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An, tàu bè ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Ban đầu các thuyền bè đậu ở Trà Nhiêu, nhưng nơi đây nhỏ hẹp nên phải lấy Hội An để tiện cho việc xuất nhập khẩu. “Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, rộng để thuyền bè có thể đậu vào thành phố. Trên bản đồ thời Lê còn lưu lại tên của bến cảng quốc tế này. Tàu lớn thời ấy muốn vào Hội An, dù tàu đậu ở Cù Lao Chàm hay Đà Nẵng đều được các thuyền đánh cá kéo đi” - cố học giả Nguyễn Văn Xuân viết. Không chỉ vậy, trong các quốc thư trao đổi thể hiện khá rõ nỗ lực giao thương ở các thế kỷ XVI, XVII. Chúa Nguyễn đã ban lệnh cho phép người Trung Hoa và người Nhật lập thương điếm, tụ họp chợ để buôn bán. Phố Nhật và phố Khách (hay còn gọi phố Đường) hình thành từ đây…
 
Theo Báo Quảng Nam
.