Những ngôi chùa, từ lâu, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đại đa số người Việt.
 


Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép nhưng rất mềm mại, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc chùa ở miền Bắc, miền Trung nước ta với kiểu dáng chùa Đài Loan và Nhật Bản. Nét riêng khác biệt ở ngôi cổ tự này là chùa gần như hình vuông và chỉ có một đòn giông duy nhất với mái cong mềm, có độ dốc như mái nhà rông Tây Nguyên.

Không gian sân chùa được cách điệu bởi những ngôi tháp nhỏ đặt nối tiếp nhau cùng với chiếc cầu dài hơn 4 mét dẫn vào nơi đặt tượng Phật nằm dài 11 mét. Góc sân trái đặt tượng Quán Thế Âm đứng trên đài sen, phía sau tượng là chiếc lục bình đúc cao gần 8 mét cắm hoa sen sơn vàng; bên phải là tượng Thích Ca trong thế ngồi thiền. Hai bên tam cấp dẫn vào chánh điện là cặp rồng trong thế rồng chầu dài hơn 8 mét và cao 2,5 mét. Ngôi chánh điện rộng 520 m2, cao 25 mét. Gian chính thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá cẩm thạch trắng cao hơn 3 mét; phía trước thấp hơn là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay được làm từ gỗ mít tinh xảo, ngoài nhũ vàng, được phục chế lại từ nguyên mẫu tượng Bồ Tát của chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Trong chánh điện còn có một số tượng như Phật A Di Đà, Quán Thế Âm cùng các vị bồ tát khác. Tông màu chủ đạo của chùa là nâu gỗ, ruốc nhạt, tạo cho du khách cảm giác sáng sạch, ấm cúng và không u tịch.

Ngoài ra, tại chùa vẫn còn 4 cây sứ gần 100 năm tuổi và di tích ngôi Sơn Hải Miếu vẫn vẹn nguyên những pho tượng cổ từ buổi sơ khai của ngôi chùa.
 

Theo Báo Gia Lai