Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không những là vùng nông sản trù phú, mà còn giàu tiềm năng trong phát triển du lịch; đồng thời là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm  2030.

 

Do vậy, các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào việc: Chở khách tham quan bằng tàu, thuyền; đưa khách tham quan miệt vườn; biểu diễn đờn ca tài tử; tham quan tìm hiểu tại các Vườn Quốc gia. Du khách chỉ cần đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng. Chính tình trạng trùng lắp về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái giữa các địa phương trong vùng diễn ra phổ biến đã làm giảm tính hấp dẫn của du lịch ĐBSCL.

Ngoài sản phẩm du lịch bị trùng lắp, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng mà tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL” năm 2015 vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã chỉ rõ: Phát triển du lịch vùng ĐBSCL chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp.

Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch vùng là điểm yếu chung. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch ĐBSCL để phát triển bền vững là “3 điểm yếu”, là thách thức cần phải vượt qua, để tạo nên bứt phá cho du lịch “Đất Chín Rồng”.

Còn PGS. TS Phạm Trung Lương, công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì cho rằng: “Những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL đã được khai thác, nhưng hiện mới ở góc độ địa phương, chứ không phải góc nhìn của toàn vùng. Vấn đề liên kết giữa các vùng cũng đã được đặt ra từ lâu, nhưng không có “nhạc trưởng”, dẫn đến tình trạng khai thác sản phẩm du lịch chồng chéo nhau. Bây giờ cần phải điều chỉnh lại, để từng địa phương phát huy được thế mạnh của mình và liên kết các thế mạnh với nhau để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, tạo nên sức mạnh của cả vùng”.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ĐBSCL đang đối diện với những vấn đề về phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, phát triển bền vững du lịch vùng ĐBSCL cần hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường; giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng là vấn đề đặt ra hiện nay.
(Còn nữa)

Theo Báo Ấp Bắc
.