Du lịch có trách nhiệm, du lịch văn minh, du lịch bền vững… từ lâu là những khái niệm đã được nhắc đến nhiều. Đây cũng là đích đến mà du lịch Việt Nam hướng tới.

 

 Khách du lịch thăm đảo Tuần Châu - Hạ Long. Ảnh: Minh Quang.
Khách du lịch thăm đảo Tuần Châu - Hạ Long. Ảnh: Minh Quang.


Chưa đánh giá được hiệu quả của đường dây nóng

Vậy trên thực tế tương tác giữa du khách và chính quyền địa phương lâu nay ra sao? Những đường dây nóng được lập ra để hỗ trợ du khách hoạt động có hiệu quả không? Tổng cục Du lịch cho hay, cơ quan này chưa có một cuộc rà soát nào để đánh giá về điều này.

Quảng Ninh là một trong những địa phương sớm thiết lập đường dây nóng phục vụ du khách. Từ năm 2012, Sở VHTT&DL Quảng Ninh đã công bố công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện truyền thông. Tiếp đó, năm 2013 Hà Nội cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, khai trương đường dây nóng ghi nhận những phản hồi của du khách.

Và mới đây nhất, mùa du lịch năm 2016 Quảng Bình cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ và giải đáp các thông tin về du lịch Quảng Bình cho du khách như điểm đến, tour tuyến du lịch…

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về số điện thoại nóng khi họ có nhu cầu được hỗ trợ. Chúng tôi đã hỏi một số du khách trong và ngoài nước tại Hà Nội về số điện thoại đường dây nóng, đa phần cho hay họ không biết, hoặc không nghe nói. Có người thành thạo hơn cho biết, số điện thoại trước kia tại Hà Nội là của Sở VHTT&DL Hà Nội (04.39261515 và 0946791955).

Sau khi tách Sở, số điện thoại đường dây nóng mới do Sở Du lịch HN công bố (bắt đầu từ cuối tháng 1/2016 là 0941.33.66.77). Tuy nhiên một số du khách cho hay, họ rất ngại gọi số điện thoại “công cộng” bởi có tâm lý lo ngại “chờ được vạ thì má sưng”.

Trong khi du khách cũng nắm được qui trình rằng các nhân viên trực điện thoại phải tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị từ khách du lịch, sau đó mới phối hợp với người kiến nghị và các cơ quan chức năng liên quan giải quyết, xử lý. Chờ được bấy nhiêu công đoạn, thì những phản hồi từ đường dây “nóng” ít nhiều đã bị “nguội”…

Chiều 13/6, liên lạc đến đường dây nóng của Sở Du lịch Hà Nội, nhân viên trực đường dây cho biết trong số nhiều du khách gọi điện tới chỉ có chừng 40% là khách du lịch nước ngoài. Trong đó, những nội dung khách du lịch phản ánh vẫn tập trung chủ yếu vào việc bị chặt chém dịch vụ, giá cả phòng nghỉ… Một số du khách phản ánh về việc họ bỏ quên đồ hoặc điện thoại trên taxi, cần sự hỗ trợ để tìm lại...

Du lịch Hà Nội chưa thực sự “sạch” như mong muốn. Minh chứng rõ nhất là báo chí thường xuyên phản ánh về thực trạng du khách bị chặt chém đẹp khi ăn phở, đánh giầy, mua bán hàng lưu niệm.

Do đó, qua điện thoại đường dây nóng chỉ từng ấy phản ánh của du khách cũng cho thấy nạn làm du lịch chộp giật vẫn tồn tại giữa Thủ đô. Ấy là chưa kể, có một thời gian sau khi tái thành lập Sở Du lịch Hà Nội đường dây nóng du lịch tạm thời gián đoạn do công tác chuyển giao, khiến cho du khách ít nhiều gặp khó khăn khi cần trợ giúp.

Vậy ai giám sát hoạt động của những đường dây nóng phục vụ khách du lịch? Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có một cuộc khảo sát thăm dò nào về hiệu quả của những đường dây nóng kể trên chưa? Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, đại diện Tổng cục Du lịch thừa nhận lâu nay hoạt động của những đường dây nóng vẫn do cơ quan quản lý du lịch địa phương và chính quyền sở tại chịu trách nhiệm.

Tổng cục chưa có một cuộc kiểm tra nào về hoạt động này. Vì thế, nếu đánh giá về du lịch văn minh, du lịch có trách nhiệm… khi xét ở góc độ tương tác giữa địa phương và du khách và ngược lại  thì Tổng cục Du lịch chưa hề nắm được.

Mong mỏi hết ăn xổi, ở thì

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam - Bộ VHTT&DL) trăn trở nhiều với thực trạng này. Theo ông, việc chặt chém, nâng giá vô tội vạ, đi du lịch mà rước thêm bực mình vào người là câu chuyện dường như “đến hẹn lại lên” ở Việt Nam, nhất là trong mỗi kỳ lễ tết hoặc mỗi mùa du lịch cao điểm.

Hiện rất nhiều nơi kể cả ở những địa phương có truyền thống làm du lịch thì người ta vẫn  kinh doanh du lịch theo kiểu tự phát. Điều này cũng khiến cho hình ảnh Việt Nam thông qua góc nhìn du lịch có phần xấu đi; lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam lần thứ 2, thứ 3 không nhiều.

TS Phạm Trung Lương cho hay, theo tính toán của các nước trên thế giới, ngành du lịch đang tạo ra khoảng 10% công ăn việc làm cho người dân toàn cầu. Nếu xét ở góc độ mục tiêu, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để không tụt hậu, chứ chưa nói đến theo kịp các nước trong khu vực về phát triển du lịch.

Vì vậy để đạt đến mục tiêu như ngành du lịch Việt Nam đã đề cập là làm du lịch bền vững phải xuất phát từ hai khía cạnh. Thứ nhất, phải làm cho người kinh doanh du lịch hiểu, làm ăn chộp giật như thế sẽ không bền. Thứ hai, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát của Nhà nước về lĩnh vực này, trong đó có cả phần hỗ trợ người làm du lịch ở thời điểm không phải vào mùa vụ.

Bởi hoạt động theo mùa vụ là đặc trưng của du lịch. Điều này sẽ phần nào hạn chế được tình trạng du lịch “chặt chém” triền miên  như đã thấy…    

 

Du lịch Việt Nam tăng trưởng kém Lào, Philippines và Myanmar

Tổng cục Du lịch VN vừa đưa ra con số thống kê cho thấy: tốc độ tăng trưởng trung bình của du lịch VN hiện đang thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).


Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch VN, hiện du lịch VN đang đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế đến với 7,94 triệu lượt năm. Con số này chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu). Trong khi Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2015 trung bình lần lượt 12%/năm và 10%/năm thì VN tăng trưởng chậm hơn chỉ đạt khoảng trung bình 7%/năm. Đặc biệt, so với các nước thuộc nhóm dưới, VN cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).


Tổng cục Du lịch VN cho rằng với thực tế hiện nay, VN khó có thể đuổi kịp chỉ tiêu về số lượng khách du lịch so với nhóm các nước đứng đầu.

 

Theo Đại đoàn kết

.