Điểm yếu nhất của du lịch vẫn là thiếu sản phẩm
Cập nhật lúc 22:34, Chủ nhật, 06/09/2015 (GMT+7)
TS. Nguyễn Công Hoan là dân Vĩnh Cửu, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, hiện là giảng viên Khoa Du lịch Trường đại học tài chính - marketing và là một trong những thành viên phản biện đề án Phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2015-2025. ( đồng bằng sông Cửu Long, du lịch, Đồng Nai)
TS. Nguyễn Công Hoan là dân Vĩnh Cửu, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, hiện là giảng viên Khoa Du lịch Trường đại học tài chính - marketing và là một trong những thành viên phản biện đề án Phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2015-2025.
- Homestay đúng là dạng khai thác du lịch “dễ mà khó”. Cơ sở vật chất có sẵn, đầu tư ít, nhưng đòi hỏi dịch vụ tốt, liên kết tốt. Việc huấn luyện người dân địa phương làm du lịch ngay tại chính ngôi nhà của mình cũng không dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ vẫn làm được, vì mục đích của du lịch homestay là đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình và cộng đồng, tạo công ăn việc làm, bán được các sản phẩm địa phương, bảo lưu và tuyên truyền giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông cho mọi người biết đến, họ sẵn sàng làm. Không phải chỗ nào cũng có thể khai thác homestay và Đồng Nai có vài điểm có may mắn đó, chẳng hạn các làng dân tộcthiểu số và làng cá bè La Ngà. Nếu mô hình homestay chưa thành công, cần xem lại công tác huấn luyện, kiểm soát chất lượng dịch vụ... từ đó có giải pháp khắc phục. Tôi nghĩ nếu khai thác tốt, làng cá bè La Ngà sẽ trở thành một điểm homestay hấp dẫn với nhiều hoạt động sông nước đặc thù.
* Ông nghĩ sao về ý tưởng du lịch và dịch vụ “ăn theo” phát triển công nghiệp, đặc biệt ở một địa bàn công nghiệp rất phát triển như Đồng Nai?
- Tôi nghĩ rất có thể. Vấn đề vẫn là chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Tôi chỉ muốn đưa ra một góc nhìn nhỏ: đi theo hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai là những nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch cho công nhân vào mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết hoặc các chương trình huấn luyện đội ngũ lãnh đạo (team building); du lịch MICE kết hợp hội thảo - hội nghị - khen thưởng - sự kiện/triển lãm; du lịch kết hợp tham quan sản xuất tại các nhà máy; du lịch kết hợp nghiên cứu thị trường mới... Thực tế là dù có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhưng hiện tại doanh nghiệp cũng chỉ mới khai thác một mảng nhỏ là du lịch giá rẻ cho công nhân. Các nhu cầu hội thảo, hội nghị, team building và các dịch vụ du lịch trung cấp, cao cấp ăn theo hoạt động của các công ty, tập đoàn lớn vẫn diễn ra ở nơi khác, không phải Đồng Nai, sử dụng những dịch vụ của các doanh nghiệp bên ngoài Đồng Nai. Đó là điều nên suy nghĩ.
* Du lịch Việt Nam nói chung luôn trăn trở chuyện du khách một đi không trở lại. Theo ông, lỗi tại đâu: phục vụ chưa tốt, dịch vụ kém hay do đắt đỏ?
- Chúng ta đổ thừa cho nhiều nguyên nhân, ví dụ thái độ, môi trường, xe cộ, visa, sản phẩm du lịch nghèo nàn... Nhưng tôi nghĩ, vấn đề cuối cùng để quyết định du khách có trở lại hay không vẫn là sự phong phú của sản phẩm du lịch. Hãy nhìn Bangkok của Thái Lan, đô thị này có đầy đủ các vấn đề như kẹt xe, khói bụi, đông đúc, các bất ổn về chính trị, nhưng du khách vẫn quay lại nhiều lần, đơn giản vì họ có nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Vì khi du khách đến một quốc gia, họ sẽ tiêu tiền cho các dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm, phương tiện vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan và các nhu cầu khác. Dĩ nhiên, sáng tạo sản phẩm du lịch phong phú cần rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đồng Nai
.