Trong vài năm trở lại đây, Lâm Đồng được chọn là nơi đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và khu vực. Từ những lợi thế sẵn có, việc xây dựng hình ảnh “điểm đến thể thao” vừa làm động lực đưa thể thao tỉnh lên tầm cao mới, vừa được xem như chiến lược dài hơi góp phần phát triển ngành Du lịch Lâm Đồng.
|
Vượt dốc |
Trên thế giới, loại hình du lịch thể thao rất được ưa chuộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, thường được tổ chức dưới hai hình thức cơ bản: Tổ chức các loại hình thể thao cho du khách tham gia với tư cách là các vận động viên của các môn thể thao (thông thường là các môn thể thao mạo hiểm - du lịch mạo hiểm) như leo núi, chinh phục đỉnh cao; chèo thuyền, khám phá hang động, ghềnh thác hay các tour đi xe đạp băng rừng... Với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, Lâm Đồng có nhiều lợi thế để tổ chức các hoạt động này và thực tế các tour du lịch khám phá như chèo thuyền hồ Tuyền Lâm, đu dây vượt thác, leo núi… đang được du khách rất yêu thích lựa chọn. Hình thức thứ hai là tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, các thế vận hội, các giải đấu khu vực và thế giới... Mỗi một giải thi đấu thể thao lớn ngoài việc đem lại nguồn lợi ích kinh tế to lớn còn đem lại các hiệu ứng xã hội không nhỏ đối với quốc gia và địa phương đăng cai tổ chức. Đó cũng là dịp đặc biệt thuận lợi cho việc quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước trước đông đảo bè bạn và du khách quốc tế. Đây cũng chính là một trong những lợi thế của tỉnh Lâm Đồng với việc đăng cai tổ chức nhiều giải: Golf, đua xe địa hình, Marathon, đua xe đạp…
Năm 2020 đưa Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng vào hoạt động
Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khởi công xây dựng từ tháng 12/2013, tại TP.Đà Lạt. Theo quy hoạch của dự án, sân vận động 20.000 chỗ ngồi được xây dựng trên diện tích 40ha tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (thành phố Đà Lạt) có tổng vốn 200 tỉ đồng. Qua đó, xây dựng các hạng mục chính như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (đạt tiêu chuẩn để thi đấu và luyện tập thể thao đỉnh cao), sân vận động, khu hoạt động văn hóa - giải trí...
Ông Lê Tứ - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu VH-TT cho biết: Hiện dự án đang được tích cực triển khai xây dựng, đảm bảo tiến độ hoàn thành trước năm 2020. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm này sẽ là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc phát triển thể thao tỉnh nhà cũng như du lịch thể thao. |
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng nghiệp vụ Thể dục thể thao - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phân tích: Tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách du lịch đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi, hoạt động thi đấu thể thao là dịp quy tụ đông đảo các vận động viên, huấn luyện viên và những người phục vụ bảo đảm cho các cuộc thi đấu thành công, đặc biệt là đông đảo người hâm mộ đến từ các địa phương trên mọi vùng miền... Đó chính là dịp để giao lưu, quảng bá hình ảnh của các cá nhân, tổ chức khi tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là “cơ hội vàng” của ngành Du lịch Lâm Đồng trong việc quảng bá tiềm năng, danh lam thắng cảnh, văn hóa và con người bản xứ đến du khách gần xa.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, năm 2014, Lâm Đồng đăng cai tổ chức 11 giải quốc gia, quốc tế và khu vực (1 giải quốc tế, 8 giải quốc gia, 2 giải khu vực miền Trung - Tây Nguyên); năm 2015, đăng cai 9 giải (1 giải quốc tế mở rộng và 8 giải khu vực). Chất lượng tổ chức giải hàng năm luôn được đánh giá cao và không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất, hình thức tổ chức. Đồng thời, Lâm Đồng cũng tham gia 49 giải khu vực, mở rộng, toàn quốc và quốc tế, đoạt 199 huy chương các loại; trong đó, có 8 huy chương quốc tế.
Một ví dụ điển hình gần đây nhất, tại sân Golf “The Dalat at 1200” - Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng đã diễn ra Giải golf nữ chuyên nghiệp The Dalat at 1200 Ladies Championship 2016. Đây là một giải golf nữ chuyên nghiệp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Giải do Hiệp hội Golf nữ Hàn Quốc, CLB Golf và Khu nghỉ dưỡng tư nhân “The Dalat at 1200” tại Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng phối hợp với Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc tổ chức, với sự tham dự của khoảng 120 tay golf nữ chủ yếu đến từ Hàn Quốc và các nước như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Úc, Trung Quốc, Việt Nam... Tổng chi phí cho giải đấu này gồm cả giải chuyên nghiệp và giải nghiệp dư khoảng 3 triệu USD. Vân động viên Cho Jeongmin chia sẻ: “Được thi đấu tại một nơi có cảnh sắc đẹp, chuyên nghiệp, tạo sự thoải mái là điều tôi rất hài long trong giải đấu này”. Có thể thấy, những lợi ích về kinh tế, du lịch, văn hóa mà những giải đấu lớn như vậy mang lại là không nhỏ.
|
Thi đấu ở sân Golf Đồi Cù Đà Lạt |
Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn song hành. Với việc ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên cho các giải thể thao lớn thì Lâm Đồng cũng gặp những thách thức không nhỏ, nhất là vấn đề cơ sở vật chất như sân cỏ chuyên nghiệp, khu liên hợp thể thao chuẩn quốc gia… Và để ngày càng thu hút các giải đấu trong nước và quốc tế - nhất là các giải đấu lớn thì Lâm Đồng cần nhiều biện pháp hơn nữa để phát triển cơ sở vật chất cũng như năng lực và chất lượng tổ chức các giải song song với việc từng bước phát triển các hoạt động thi đấu thể thao trở thành một loại sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của du lịch Lâm Đồng.
Thực tế cho thấy, du lịch thể thao không chỉ góp phần kích cầu du lịch mà còn kích cầu kinh tế, văn hóa xã hội và đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Thi đấu thể thao gắn bó mật thiết và có tác động tương hỗ hoạt động du lịch, kinh tế du lịch. Do vậy, để Lâm Đồng trở thành “điểm đến thể thao” trong tương lai không xa chính là một chiến lược đáng chú trọng và để hiện thực hóa, tỉnh cần có những bước đi và biện pháp thích hợp để khai thác và phát triển các loại hình thể thao, nhất là thể thao du lịch thực sự đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn này phù hợp với thực tế và tiềm năng của địa phương.
Theo Báo Lâm Đồng