leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN

Khu vực miền Bắc gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Khu vực miền Trung gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam. Khu vực miền Nam có Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Tháng 6/2023 dự kiến, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra tại miền Bắc; từ tháng 7-10 thực hiện kiểm tra tại miền Trung và miền Nam. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao trong cả nước; các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận...

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì, kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19. Đồng thời, việc này góp phần tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn.

Theo Tổng cục Du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, tạo cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực lưu trú tập trung vào các khu nghỉ dưỡng biển, núi. Bên cạnh khách sạn, nhà nghỉ du lịch còn có căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), biệt thự du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, bãi cắm trại du lịch. Số cơ sở có quy mô lớn tăng, góp phần phát triển hoạt động MICE (hội nghị kết hợp du lịch), phục vụ được các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế. Mạng lưới nhà dân cung ứng qua hệ thống Airbnb (Air Bed and Breakfast - thị trường đặt thuê căn hộ, phòng nghỉ trực tuyến) chiếm tỷ lệ ngày càng cao, làm tăng cung và cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ sở lưu trú truyền thống. Mô hình chia sẻ kỳ nghỉ áp dụng nhiều với loại hình căn hộ và biệt thự du lịch...

Cùng với các tập đoàn lớn, thương hiệu lớn trên thế giới như Hyatt, Intercontinental, Accor, Sheraton, Hilton, IHG, ở nước ta đã ghi nhận sự lớn mạnh của các tập đoàn do người Việt đầu tư quản lý với các thương hiệu như Vinpearl, Saigontourist, Flamingo... Hoạt động du lịch cộng đồng, homestay được đẩy mạnh ở vùng sâu, vùng xa, tạo việc làm, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Luật Du lịch 2017 đã tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch, tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương và tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện, tạo chủ động cho cơ sở lưu trú. Luật quy định các Sở quản lý du lịch địa phương thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch 3 sao trở xuống và kiểm tra điều kiện. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch được giảm ở tất cả các loại hình.

Hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện qua việc soát xét và xây dựng mới tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, homestay, biệt thự du lịch; xây dựng mới tiêu chuẩn địa điểm du lịch MICE cho khách sạn.

Trước dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng, thu hồi quyết định công nhận hạng của một số cơ sở không duy trì chất lượng; thông báo và đưa ra khỏi danh sách cơ sở đã xếp hạng những cơ sở có quyết định công nhận hạng hết hiệu lực thi hành.

Năm 2020 - 2021, Tổng cục Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, nhắc nhở phòng, chống đại dịch COVID-19 ở các cơ sở lưu trú du lịch tại một số địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh...

Theo TTXVN