Cao nguyên đá, hẹn gặp phiên chợ sau...
Cập nhật lúc 18:47, Thứ ba, 17/12/2013 (GMT+7)
Với người dân trên Cao nguyên đá, chợ không chỉ là "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển các hoạt động thương mại, mà còn là nơi giao lưu, trao đổi tâm tình, là không gian văn hóa độc đáo làm say lòng du khách... (Hà Giang, cao nguyên đá, lợn cặp nách)
Với người dân trên Cao nguyên đá, chợ không chỉ là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển các hoạt động thương mại, mà còn là nơi giao lưu, trao đổi tâm tình, là không gian văn hóa độc đáo làm say lòng du khách...
Sáng sớm, khi làn sương mỏng dần tan sau dãy núi, trên các nẻo đường ra huyện ngày chợ phiên, người dân nô nức đổ về trong những bộ áo quần xúng xính, sặc sỡ như ngày hội. Chợ vùng cao như một bức tranh đa màu, ấn tượng du khách xa gần bởi nhiều “nét vẽ” rất riêng: Đó là cái chân váy thiếu nữ xuân thì đùa cùng với gió; là chén rượu ngô chếnh choáng men nồng; chảo thắng cố nghi ngút khói hấp dẫn bao thực khách; là những gian hàng đặc sản địa phương, là tiếng khèn da diết vọng lên đâu đó từ góc chợ, hay độc đáo hơn là những con vật nuôi được người dân “cắp nách” theo cùng.
|
Gà “cắp nách”, lợn cùng người dân xuống chợ. |
Chợ của người vùng cao quê tôi mỗi tuần chỉ họp một phiên, theo cách tính ngày của 12 con giáp, người địa phươnggọi là “chợ lùi”; theo cách tính này, chợ phiên của tuần sau lùi một ngày so với ngày chợ phiên của tuần trước (trừ các phiên chợ huyện họp vào ngày chủ nhật). Chợ phiên không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động thương mại, nâng cao đời sống cho người dân mà giờ đây chợ phiên trên Cao Nguyên đáđã trở thành một “sản phẩm” du lịch có sức hút mạnh mẽ; đặc biệt từ ngày Cao Nguyên đá góp mặt trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi năm thì cũng có gần chừng ấy du khách muốn một lần được “lang thang” chợ phiên trên miền đá. Du khách Nguyễn Thị Vân Anh, một người bạn của tôi đến từ Hà Nội hỏi kỹ lịch trình trước khi có chuyến du lịch Hà Giang: “Ngoài những địa điểm du lịch như Nhà của Pao, dinh nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng... thì bạn nhất định phải cho tôi lịch chợ phiên để tôi sắp xếp lịch trình. Nghe nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng tận mắt chứng kiến, cảm nhận về đời sống của người dân qua chợ phiên mới thật sự là chuyến du lịch trải nghiệm thú vị”.
Nép mình bên góc cây Bằng Lăng nơi góc phố núi Mèo Vạc để thay bộ váy mới, thiếu nữ Vàng Thị Sú (xã Khâu Vai) thẹn thùng: “Mỗi tuần mới được đi chợ một lần thôi. Việc nương, việc nhà đã xong từ hôm qua, để sáng nay được xuống chợ từ sáng sớm...”.
- Em Không mang gì xuống chợ bán, vậy đi chợ để mua sắm thứ gì vậy? Tôi bắt chuyện.
Sú đỏ bừng hai gò má, khẽ nhìn người bạn gái bên cạnh rồi cúi đầu:
- Em đi gặp bạn...
Rồi chúng tôi cùng lạc vào chợ phiên.
Thời gian... cũng lạc vào giữa những thanh âm và sắc màu trên miền đá núi. Anh bạn đi cùng tôi tôi vui mừng vỗ vai: Chụp được nhiều khoảnh khắc ảnh rất đẹp, tự nhiên và đời thường, là nét duyên rất riêng của vùng Cao Nguyên đá”. Đó là kết quả sau buổi chợ phiên mà bạn tôi đã thức dậy từ khi nghe thấy tiếng chân người náo nức xuống chợ, hòa mình vào cái nhộn nhịp vùng cao để kiếm tìm khuôn hình và cảm nhận cuộc sống.
Mặt trời đứng bóng, chợ bắt đầu tan..., những đám đông tản dần về mọi ngả đường phía núi; đâu đó bên vệ đường, người phụ nữ dân tộc Mông tự hào ngồi che ô cho chồng “nghỉ ngơi” vì gặp nhiều bạn tốt. Trong tôi, niềm vui gọi về cả sự tiếc nuối. Hẹn gặp chợ phiên sau nhé!
Theo Báo Hà Giang
.