Có vẻ như chúng ta sắp có cơ hội để giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của ngành thời trang - vấn đề tái chế.

Trong một bước đột phá đầy hy vọng, các nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus của Đan Mạch đã tạo ra một công nghệ mới có thể thay đổi cách chúng ta nhìn vào việc tái chế quần áo và các sản phẩm dệt. Với sự phát triển này, có vẻ như chúng ta sắp có cơ hội để giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của ngành thời trang - vấn đề tái chế.

Bài viết được chia sẻ trên trang sciencedaily.com cho biết, quần áo có sợi elastane được xe cùng sợi bông, len, nylon hoặc các loại sợi khác - như thường thấy trong nhiều trang phục ngày nay - thì gần như không thể tái chế được. Việc tách riêng các loại sợi khác nhau là vô cùng khó khăn, do đó chất liệu trong loại quần áo này không thể đem tái chế.

Đây cũng là lý do khiến quần áo và các loại hàng dệt khác thuộc diện khó tái chế nhất. Chỉ có khoảng 6% quần áo bỏ đi của các hộ gia đình Đan Mạch được tái chế - so với 32% bao bì nhựa được tái chế.

Công nghệ mới này do PGS Steffan Kvist Kristensen và nhóm nghiên cứu của ông phát triển, đồng thời mở ra một triển vọng sáng sủa cho ngành công nghiệp thời trang. Khả năng tách elastane khỏi các loại sợi khác trong quần áo mở ra cánh cửa cho việc tái chế một loạt các sản phẩm dệt lụa, bông, nylon và nhiều loại vải khác.

Quá trình tách elastane từ các loại vải hỗn hợp không chỉ đòi hỏi sự chính xác mà còn phải sử dụng các thành phần hoạt động mạnh mẽ. Sử dụng cồn và kali hydroxit, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc phá vỡ các liên kết trong elastane, tạo điều kiện cho việc tái chế hiệu quả.

Mặc dù công nghệ này đang thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp thời trang, việc triển khai nó trên quy mô lớn vẫn còn là một thách thức. Với hạn chế về thiết bị và cơ sở hạ tầng, việc mở rộng quy mô sản xuất cần sự hợp tác từ các nhà máy hóa chất lớn, đặc biệt là từ Đức.

Công nghệ mới của Đan Mạch hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai sáng cho việc sử dụng và tái chế các loại vật liệu dệt, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành thời trang.

 
 
PV