VPF có tổng giám đốc (TGĐ) mới, nhưng nhiệm vụ vẫn như cũ, đó là cải tổ giải V-League đã quá cũ kỹ, ít tính hấp dẫn, ít cạnh tranh và không thu hút được khán giả, không thu hút được tài chính.



Chứ 3 tỷ đồng cho ngôi vô địch, rồi thấp dần cho các vị trí tiếp theo là không hấp dẫn, bởi 3 tỷ đồng cho ngôi vô địch vốn chỉ bằng 1/10 so với mức tối thiểu mà mỗi đội bóng phải bỏ ra để duy trì hoạt động cho 1 mùa giải, bằng khoảng 1/20 so với mức đầu tư của một CLB muốn cạnh tranh huy chương.

Chẳng thể nào đòi hỏi các đội bóng phấn đấu suông, bởi cạnh tranh vị trí nhưng không được đền bù xứng đáng bằng tiền thưởng thì cạnh tranh để làm gì? - Với nguy cơ chấn thương rủi ro luôn rình rập những đôi chân bạc tỷ bất cứ lúc nào, ở một giải đấu mà bản thân đôi chân của các cầu thủ cũng chưa được xem trọng, chưa được mua bảo hiểm cho đúng với 2 chữ “chuyên nghiệp”.

Và tìm nguồn tài chính cho V-League, tìm nguồn tiền để tăng mức thưởng lên mức cao, đủ để kích thích các đội bóng đua tranh đến nhóm đầu rốt cuộc là nhiệm vụ của VPF, là một trong những tôn chỉ của chính tổ chức này từ khi ra đời. Đồng thời, đấy cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ông TGĐ mới của VPF.

Siết chặt các quy định còn lỏng lẻo

Mới đây AFF đã đưa ra những tiêu chí để các CLB tham gia giải vô địch Đông Nam Á Asean Super League (ASL). Những quy định một lần nữa đặt ra cho những người làm bóng đá Việt Nam một thực tế, rằng chúng ta phát triển quá lệch hướng so với những tiêu chí của chữ “chuyên nghiệp” thực thụ.

Ở đây, cũng giống như tính chất của chuyện chống tiêu cực trong bóng đá, việc đi tìm sự tự giác của các CLB trong việc cải thiện cấu trúc của họ là cần thiết, nhưng trước tiên những nhà điều hành V-League phải có những biện pháp kiên quyết, để đưa mọi việc vào khuôn khổ.

Không thể kéo khán giả tới sân, nhất là khán giả nữ và trẻ em, một khi cơ sở vật chất, sân bãi của các đội bóng không thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của từng bộ phận khán giả (ví dụ như nhà vệ sinh tồi thì đúng là gây khó cho phụ nữ và trẻ em quá!). Không thể có chất lượng cầu thủ tốt, không thể có lứa kế cận tốt khi mà các đội bóng đều qua quít trong việc đào tạo trẻ, còn VPF và cao hơn nữa là VFF miệng thì bảo “siết” nhưng lại tìm cách “nới” cho chính các CLB…

Một trong những sứ mạng lịch sử của VPF khi ra đời là cải tiến được phương thức tổ chức V-League. Thành ra, VPF không thể để cho V-League đi vào chính lối mòn của sự yếu kém mà VFF từng mắc phải cách nay nhiều năm.

Người ta chờ đợi những nét đột phát từ những doanh nhân làm bóng đá đang lãnh nhiệm vụ nắm định hướng cho VPF bây giờ, thay cho sự xáo mòn đã ăn sâu vào những người thuần bóng đá, thuần thể thao lâu nay đã khiến V-League trì trệ.

Và những nét đột phá về nhân sự đấy (có một ông TGĐ mới đến từ doanh nghiệp, thay cho ông TGĐ cũ là người cũ của ngành TDTT) dứt khoát phải được thổi vào hồn của một V-League mới, giàu sức sống hơn. Bằng ngược lại, đấy là thất bại của chính VPF!

 

Theo Dân trí

.