VFF lại quanh quẩn chuyện thầy ngoại, thầy nội
Cập nhật lúc 00:57, Thứ năm, 28/01/2016 (GMT+7)
VFF gần như chắc chắn sẽ nói lời chia tay với HLV Miura. Sau hai năm "thử nghiệm" một HLV người Nhật Bản, VFF lại sắp đối mặt với bài toán cực nan giải là tiếp tục tin dùng thầy ngoại hay trở về với phương án thầy nội. (V-League, thầy ngoại, thầy nội, HLV Miura, VFF)
VFF gần như chắc chắn sẽ nói lời chia tay với HLV Miura. Sau hai năm “thử nghiệm” một HLV người Nhật Bản, VFF lại sắp đối mặt với bài toán cực nan giải là tiếp tục tin dùng thầy ngoại hay trở về với phương án thầy nội.
Việc VFF không tiếp tục tin dùng HLV Miura gần như là chắc chắn, nhưng sau HLV Miura, VFF sẽ chọn ai để dẫn dắt ĐTQG? Nên nhớ, sau khi HLV Miura chia tay, ĐTVN sẽ cần phải có một HLV trưởng để chuẩn bị quân cho chiến dịch AFF Cup vào cuối năm nay.
Chuyện tìm kiếm HLV và chờ đợi vào sự thành công của HLV đó với bóng đá Việt Nam vẫn là thứ gì đó quá xa xỉ. Sau rất nhiều đời HLV, bóng đá Việt Nam mới thực sự chứng kiến một người duy nhất thành công là HLV Calisto, với ngôi vô địch AFF Cup 2008.
Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay bóng đá thế giới luôn chọn HLV trưởng ĐTQG phải là người có nhiều năm kinh nghiệm và đã có bề dày thành tích. HLV Calisto thành công cũng bởi ông thầy người Bồ Đào Nha đã có 10 năm lăn lộn với V-League và có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển. Còn hầu hết các HLV khác dẫn dắt ĐTQG đều không mấy hiểu về bóng đá Việt Nam, trong khi các HLV nội lại có nhiều hạn chế.
Đặc biệt là các HLV nội khi lên tuyển những năm qua thường không được toàn quyền quyết định. Điều mà các HLV nội lăn tăn nhất khi được hỏi về chuyện lên tuyển, chính là sự đối xử, tôn trọng của VFF với các HLV nội. Đã nhiều năm qua, bất cứ HLV nội nào lên dẫn dắt, cũng đều bị nghi ngờ cái gọi là thực quyền.
So sánh luôn khập khiễng, nhưng những ưu ái của VFF với thầy ngoại như nào, thầy nội cũng xứng đáng được nhận. Còn về câu chuyện tôn trọng, dường như HLV nội lên tuyển quan hệ với VFF như cấp dưới-cấp trên, thay vì là những “đối tác” với nhau, được ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng.
Vì thế, các HLV có thực lực được đánh giá cao như HLV Huỳnh Đức, Hữu Thắng… đều không mặn mà với VFF. Nói thẳng ra thì các HLV nội cũng có một lý do quan trọng khác khiến họ không muốn lên tuyển. Bài toán đầu tiên, chính là việc phải bỏ công việc ở CLB, vốn đang rất ổn định và lương rất cao, để ngồi vào chiếc ghế có nhiều rủi ro.
Nói một cách dễ hiểu, thì HLV nội không thích đánh đu với nghiệp cầm quân của mình. Uy tín, có năng lực chuyên môn và được lòng cầu thủ như HLV Phan Thanh Hùng, cũng đã phải thất bại sau 3 tháng lên tuyển. Rất may là ông Hùng khi nhận lời dẫn dắt ĐTVN, đã được VFF “lách luật” cho kiêm nhiệm, chứ nếu hồi đó ông Hùng chuyên trách, thì giờ đang rơi vào cảnh thất nghiệp.
VFF luôn chê các HLV không có trách nhiệm với quốc gia, nhưng sau những gì mà họ thấy, họ nhận, thì rõ ràng là chẳng ai muốn đánh đổi. Nói cách khác, tự mình phải lo cho mình, chứ cứ vẫn cái cách làm cũ của VFF, thì chẳng có HLV nào dám mạo hiểm.
HLV nội đánh mất niềm tin với VFF và dường như chính VFF cũng chẳng còn tin vào HLV nội. Thế nhưng, VFF vẫn phải tiến hành công việc tìm kiếm HLV nội, bởi ngoại mãi mà không thành công thì cũng cứ luẩn quẩn mãi…
Theo Dân trí
.