(BVPL) - Một tuần sau khi dấy lên chuyện thu phí tải nhạc trực tuyến, mặc cho nhiều nhạc sĩ ra sức kêu gọi mọi người hãy “nghe có ý thức”, cộng đồng mạng vẫn thờ ơ vì chưa quen với việc nghe nhạc phải trả tiền…

 
 
Cách làm luật nửa vời
 
Việc thu phí tải nhạc đã bắt đầu được thử nghiệm ở một số trang web nghe nhạc trực tuyến song đến giờ người trong cuộc vẫn tỏ ra khá mông lung. Sở dĩ nói vậy bởi khi được hỏi có tác phẩm nào trong số 100 album mà Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) ủy quyền cho Tập đoàn MV Corp quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến và quyền lợi của tác giả thì phần lớn các nhạc sĩ đều không biết. Ngay cả một trong những người “nổ phát súng” đầu tiên trong chiến dịch âm nhạc này là nhạc sĩ Huy Tuấn cũng không giấu nổi lo ngại khi biết việc thu phí tải nhạc trực tuyến bước đầu mới chỉ áp dụng đối với 100 album có thỏa thuận với RIAV, còn các sản phẩm âm nhạc khác thì tạm thời vẫn được phép tải và nghe miễn phí. 
 
Điều này theo anh chẳng khác gì làm “chết” các nghệ sĩ khi bị “ăn cắp” sản phẩm một cách trắng trợn. Chưa kể 100 album thu phí nói trên đều là những album cũ được các nhạc sĩ sáng tác từ lâu, trong khi đa phần những người lên mạng nghe và tải nhạc là giới trẻ với nhu cầu cập nhật rất cao. Bản thân đại diện một số trang web cũng thừa nhận lượng người truy cập hầu như không bị ảnh hưởng kể từ khi áp dụng việc thu phí tải nhạc trực tuyến, một phần cũng bởi các album được chọn lựa thu phí không phải là album “hot” tại thời điểm này. 
 
Trong khi đó về phía người nghe, dù ủng hộ cách làm này hay không cũng đều băn khoăn trước cách thức tải nhạc và đóng phí còn chưa đồng nhất và nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thanh toán… “loạn cào cào” từ thẻ cào, thẻ ATM, soạn tin nhắn qua điện thoại đến cổng thanh toán riêng. Trên thực tế, ngay khi một số trang web áp dụng việc thu phí tải nhạc, đã có nhiều trang web khác không nằm trong thỏa thuận với RIAV cho phép người nghe tải nhạc “chùa” miễn phí. Thậm chí trên một mạng diễn đàn xã hội phổ biến nhất hiện nay, nhiều người còn lập ra hội những người “cùng chờ đón thất bại của các website thu phí download nhạc Việt Nam”.  
 
Đấy là chưa nói đến việc các trang web cũng chỉ thực hiện thu phí đối với việc tải nhạc đối với tác phẩm chất lượng cao (320kb), còn miễn phí tải đối với bản nghe chất lượng thấp hơn (280kb). Điều này theo nhạc sĩ Huy Tuấn là rất nực cười và chẳng khác nào cách làm luật… nửa vời. Còn nói như lời nhạc sĩ Giáng Son thì nếu các trang web vẫn cho nghe nhạc miễn phí, chỉ tính phí tải nhạc về thì người ta sẽ chẳng việc gì phải trả tiền tải nhạc cả. Chính bởi lẽ đó, tác giả “Giấc mơ trưa” không giấu giếm lo lắng về hiệu quả của chiến dịch âm nhạc này. 
 
Muộn còn hơn không
 
Dù còn nhiều kẽ hở nhưng việc thu phí tải nhạc trực tuyến theo nhiều nhạc sĩ là việc làm muộn còn hơn không. Nói như nhạc sĩ Phú Quang thì lâu nay không nhiều nhạc sĩ Việt sống được bằng tác phẩm, cả khi những sáng tác của họ được ca sĩ ưu ái trình diễn chứ chưa nói gì đến việc bị người nghe dùng “chùa” trên mạng. Thế nên đời sống nhạc sĩ từ trước đến giờ vẫn luôn thiệt thòi nếu chỉ sống dựa vào ca khúc. Bởi vậy việc các nhà mạng thu phí tải nhạc sẽ phần nào giúp các nhạc sĩ có thêm nguồn thu để đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc có chất lượng, còn người nghe cũng sẽ biết trân trọng tác phẩm nghệ thuật hơn. Tuy nhiên cũng theo ông thì nếu chỉ đánh vào “túi tiền” thì chưa chắc đã làm thay đổi được ý thức của người nghe bởi cái giá 1.000 đồng cho mỗi lượt tải nhạc không phải là cao, nếu không muốn nói là rẻ. Từng lưu diễn qua nhiều nước trên thế giới, vị nhạc sĩ tài hoa dẫn chứng ông từng tìm hiểu và được biết ở Singapore từng mang 3 trường hợp vi phạm tác quyền âm nhạc ra xét xử với hình phạt không chỉ dừng lại ở mức nộp phạt hành chính mà còn bị giam giữ có thời hạn. Cũng bởi làm chặt như vậy nên đời sống các nhạc sĩ ở quốc đảo này được đảm bảo ở mức ổn định và rất cao. 
 
Dù vắng bóng trong làng nhạc Việt đã lâu nhưng nhạc sĩ Ngọc Châu cũng bày tỏ kỳ vọng đối với việc thực hiện thu phí tải nhạc trực tuyến. Nhạc sĩ “Thì thầm mùa xuân” khẳng định chỉ khi bỏ tiền ra mua nhạc, người nghe mới có thể hình thành thói quen nghe nhạc một cách chọn lọc chứ không “a dua” theo hiệu ứng đám đông. Vị nhạc sĩ cũng “khuyến cáo” những người còn băn khoăn về việc phải bỏ tiền ra để tải nhạc về thì tốt nhất là… không nên nghe. Đồng tình với điều này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng thưởng thức âm nhạc cũng như ăn cơm, chúng ta có thể sẵn sàng bỏ ra 1.000 đồng để mua thêm gia vị ăn kèm, lẽ nào lại e ngại mức giá 1.000 đồng cho một sáng tác âm nhạc. Bởi vậy đã đến lúc người nghe cần thay đổi thói quen của mình vì nghe nhạc cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với công sức lao động của những nhà sản xuất âm nhạc.
 
Theo ANTĐ
.