Cứ cho rằng V-League kịch tính, nhưng sao sự kịch tính đấy không thu hút được khán giả? Chẳng ai phủ nhận Hà Nội T&T mạnh, nhưng ngay cả khi là đội mạnh thì đội bóng của bầu Hiển vẫn là một trong những đội ít người xem nhất nước, kể cả trong ngày họ đăng quang...

“Thủng lưới” từ khán đài

Rốt cuộc thì sự kịch tính hay không kịch tính ở mọi lĩnh vực giải trí nói chung, chứ không riêng gì bóng đá, là nhằm thu hút người xem.

Xét về mặt này thì V-League đang thua to, khi nhìn từ các khán đài. Vì vậy, câu chuyện mấy ngày qua người ta tranh cãi xung quanh việc kết thúc của V-League có kịch tính hay không hoá ra vô ích, xét trên khía cạnh sự kịch tính đấy không góp phần giúp giải đấu trở nên thu hút.

Lượng khán giả trung bình tại V-League ở mức thấp (khoảng 6.000 người/trận), nhiều sân bóng từng nổi tiếng là “chảo lửa” như sân Vinh, Chi Lăng, Cao Lãnh giờ sụt giảm mạnh về lượng người xem. Riêng sân Cao Lãnh có đến ngót nghét chục trận số người đến sân chỉ trên dưới 1.000.

 

 Tình trạng các khán đài trống vắng là tình trạng thường thấy tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)
Tình trạng các khán đài trống vắng là tình trạng thường thấy tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)


Thay vì tranh cãi rằng V-League kịch tính hay không kịch tính, sao người ta không đặt câu hỏi cần phải làm gì để kéo khán giả trở lại với các sân bóng? Phải làm gì để người xem tin vào tính trung thực, tính cạnh tranh của các trận đấu để đến sân?

Như đã nói ở trên, chẳng ai phủ nhận Hà Nội T&T là đội mạnh, nếu không muốn nói là mạnh nhất V-League cả chục năm qua, nếu không tính B.Bình Dương. Nhưng cũng chừng ấy năm, đội bóng của bầu Hiển vẫn không thể thuyết phục được khán giả đến với mình.

Người ta không mê Hà Nội T&T vì kỳ thực người ta không tin sự “vô tư” trong các trận đấu giữa những đội bóng bị nghi ngờ có liên quan đến bầu Hiển, càng không tin vào sự trùng hợp đến kỳ lạ lúc Hà Nội T&T giành đến 16/18 điểm trong những trận đấu với 3 đội bóng còn lại, bị cho là chịu sự chi phối của ông bầu này.
 

Không ai phủ nhận Hà Nội T&T là một trong những đội mạnh nhất V-League khoảng chục năm qua, nhưng cũng không ai không thấy là đội bóng thủ đô hầu như không thu hút được người xem (ảnh: Gia Hưng)
Không ai phủ nhận Hà Nội T&T là một trong những đội mạnh nhất V-League khoảng chục năm qua, nhưng cũng không ai không thấy là đội bóng thủ đô hầu như không thu hút được người xem (ảnh: Gia Hưng)


Có thể khán giả không tìm được câu trả lời chính thức từ câu chuyện vừa nêu, rằng bầu Hiển thật sự sở hữu bao nhiêu đội bóng? Nhưng nghi ngờ thì người ta vẫn có quyền nghi ngờ. Mà đã không tin thì người ta đơn giản sẽ không mê, không xem.

Nhìn rộng ra, V-League vắng khán giả cũng vì điều đó, các trận đấu ngoài mặt thì giàu sự cạnh tranh cho đến tận màn chót cảnh chót, nhưng người hâm mộ trung lập nói chung có tin vào điều đấy hay không lại là chuyện khác!

Câu chuyện về tính cạnh tranh

Giải đấu giàu sức cạnh tranh không phải là giải đấu mà tỷ lệ rớt hạng trực tiếp chỉ vào khoảng 7%, còn đội nhận vé xuống hạng (Đồng Tháp) biết trước số phận của mình đến 5 vòng đấu, cùng số điểm trung bình thấp kỷ lục trong lịch sử: 0,3 điểm/trận. Tức là từ vòng 21 đến vòng 26, hàng loạt đội bóng với mục tiêu trụ hạng coi như xong nhiệm vụ, vì đã tìm thấy chủ nhân của chiếc vé đau khổ về hạng dưới.

Giải đấu giàu sức cạnh tranh càng không phải là giải đấu mà ở đấy giới chuyên môn thay vì chiến đấu sòng phẳng trên đường đua đến ngôi vô địch, theo kiểu một chọi một, lại quay sang tố rằng đội mình bị “xa luân chiến” theo kiểu “3 đánh 1”, như cựu HLV Lê Thuỵ Hải (Thanh Hoá) và bầu Thuỵ (XM Xuân Thành Sài Gòn) tố các đội bóng có liên đến bầu Hiển.

 

 Nói về V-League là nói về phần chân đế của toàn bộ nền bóng đá (ảnh: Gia Hưng)
Nói về V-League là nói về phần chân đế của toàn bộ nền bóng đá (ảnh: Gia Hưng)


Sự cạnh tranh ở đây không chỉ là cạnh tranh về mặt chuyên môn, mà còn là sự cạnh tranh về lương, chế độ đãi ngộ, trường phái lối chơi, mô hình phát triển CLB.

Đằng này, V-League với nghi vấn “một ông chủ - nhiều đội bóng” khó có sự đột phá về lương bổng, càng khó có sự đột phá về phong cách và chiến lược phát triển, chiến lược thu hút khán giả (như XM Xuân Thành Sài Gòn từng có lúc thực hiện rất thành công). Vì nếu cùng một ông chủ thì các đội bóng sẽ hoạt động đều đều như nhau, với cùng một định hướng na ná nhau.

Bóng đá phải đa phong cách, đa trường phái mới hấp dẫn (kiểu gì thì Barca và Real, hay “Man đỏ” và “Man xanh” cũng phải khác nhau như nước với lửa, kể cả phải giành giật cầu thủ với nhau trong từng mùa chuyển nhượng thì các cuộc đối đầu giữa họ mới nẩy lửa). Bằng ngược lại, chỉ sợ các nhà tổ chức và kể cả các ông bầu sẽ tiến đến cảnh tự chơi và... tự xem, trong khi khán giả cứ dần quay lưng.

Những người làm bóng đá đừng cố lý giải và đừng cố chứng minh sấp hấp dẫn của V-League qua hiện tượng, qua màn đua bàn thắng giữa 2 đội dẫn đầu bảng ở vòng đấu cuối cùng, mà hãy nhìn thẳng vào bản chất: Rằng V-League giờ đang giảm người xem đến mức báo động, rằng V-League không còn đủ sức hấp dẫn khách hàng khi đem so với nhiều loại hình giải trí khác.

Mà phàm bàn đến V-League, tức là đang bàn đến nền tảng, đến phần chân đế của toàn bộ nền bóng đá.

 

Theo Dân trí

.