Người hâm mộ đang mất dần niềm tin với giải đấu số 1 quốc nội, thậm chí với nhiều người bây giờ cứ nói tới bóng đá Việt Nam là quay lưng hay tắt tivi. Còn với những ai kiên nhẫn theo dõi giải đấu này, vòng nào họ cũng được chứng kiến những câu chuyện liên quan đến sai sót của trọng tài, cầu thủ thì triệt hạ nhau…

Trọng tài: Nói mãi vẫn thế

Trọng tài có lẽ là vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt Nam, bởi một khi những người quản lý bóng đá không giải quyết từ khâu gốc dễ và bản chất, thì chuyện các đội bóng, cầu thủ phản ứng với trọng tài hay những sai sót theo kiểu khó hiểu, ngờ ngợ vẫn sẽ diễn ra.

Vấn đề của trọng tài Việt Nam ở đây là gì? Đó là sự yếu kém của khâu điều hành. Một bộ máy mà người ta nói quá nhiều tới sự đấu đá, dây nọ, dây kia của chính đội ngũ “Vua”. Chuyện ông Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi giữ luôn vai trò Phó Trưởng Ban tổ chức giải, tức là vị Vua của Vua này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Trọng tài Việt có nhiều vấn đề xảy ra ở thượng tầng, nên chẳng khó hiểu khi ở dưới loạn. Cái sự loạn ấy, ban đầu bắt đầu từ những sai sót kiểu “lỗi nhận định” hay “không theo kịp tình huống”… dần dần khiến người xem buộc phải nghi ngờ là “có mùi”. Hầu như mùa giải nào cũng có một vài trọng tài bị kỷ luật ngầm, nhẹ thì cho nghỉ có thời hạn, nặng thì treo cờ, treo còi vĩnh viễn. Nhưng sự cố trọng tài vẫn cứ xảy ra, giống như nó là một phần không thể thiểu của cuộc chơi.

Gần nhất, tại vòng 17 V.League, trên sân Lạch Tray, sau trận đấu trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã bị CĐV xứ Cảng bao vây trước khán đài A để phản đối, phản ứng. Các CĐV cho rằng trọng tài đã xử ép lộ liễu, dẫn đến trận thua 0-3 của Hải Phòng trước SHB Đà Nẵng. Trước đó, trên đường rời sân vào phòng thay quần áo, tổ trọng tài cũng bị nhiều khán giả la ó và ném vật cứng. Một thành viên của tổ trọng tài đã bị ném trúng chai nước vào người.

Trên sân Cần Thơ, cựu Còi vàng Nguyễn Trọng Thư- con trai của ông Nguyễn Văn Mùi- đã mắc lỗi khá sơ đẳng khi không phạt thẻ đỏ thủ môn Bửu Ngọc trong tình huống thủ thành gốc Đồng Tháp này triệt hạ Duy Long ở cuối trận Cần Thơ- CLB Sài Gòn. Ông Thư sau đó đã thừa nhận sai sót vì xử lý quá mềm tay với tình huống vào bóng của Bửu Ngọc.

Trước tình trạng căng thẳng leo thang về công tác trọng tài đến trước vòng 17, Trưởng Ban trọng tài ông Nguyễn Văn Mùi nhận định chung rằng: “Rõ ràng, trọng tài còn những thiếu sót nhưng không nghiêm trọng để ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Sai sót là chuyện tất yếu và sai như thế nào chúng tôi cần xem lại để đánh giá…”.

Có vẻ như giới trọng tài Việt Nam cũng đang bất lực, lý do đơn giải là vì họ đã đánh mất niềm tin trầm trọng với các đội bóng, người hâm mộ. Một kế hoạch thuê trọng tài ngoại đang được Công ty VPF triển khai, nhưng đây chỉ là hình thức “chữa cháy”, không giải quyết được cốt lõi của vấn đề.

 

 Bóng đá Việt rất yếu ở khâu trọng tài.
Bóng đá Việt rất yếu ở khâu trọng tài.


Sân cỏ biến thành sàn đấu và những án phạt cười ra nước mắt

Trọng tài vòng đấu nào cũng bị chỉ trích, còn cầu thủ thì triệt hạ nhau trên sân, biến giải đấu thành võ đài nghiệp dư. Tại vòng 17, đập vào mắt người xem là hình ảnh phản cảm, thậm chí rùng rợn, từ pha bóng như phi thân muốn ăn tươi nuốt sống đầu gối tiền đạo Duy Long (CLB Sài Gòn) của thủ môn Cần Thơ Trần Bửu Ngọc. Một tình huống chắc chắn Duy Long sẽ phải giải nghệ với chiếc chân bị gãy giống trường hợp của Quế Ngọc Hải-Anh Khoa ở mùa giải 2015, nhưng rất may cầu thủ CLB Sài Gòn đã kịp né đòn trong gang tấc.

Đó là một pha phạm lỗi mà tất cả người xem chắc không nghĩ rằng nó diễn ra trong một trận bóng đá mà chỉ có thể là một trận đánh nhau ngoài xã hội. Để diễn tả cho hành động của thủ môn từng tham gia đội tuyển dùng những từ ác ý, thô bạo, triệt hạ thôi vẫn chưa đủ. Đôi chân là nghề nghiệp, là nồi cơm của cầu thủ, của đồng nghiệp, vậy tại sao Bửu Ngọc lại có pha vào bóng nguy hiểm như vậy?

Ai cũng cho rằng với pha triệt hạ đối phương đầy tàn nhẫn, Bửu Ngọc sẽ phải lĩnh án treo giò đến hết mùa giải. Ở mùa giải 2015, với pha vào bóng tương tự, Quế Ngọc Hải đã bị cấm thi đấu 6 tháng, cấm lên tuyển và chi trả gần 1 tỷ đồng cho cầu thủ Anh Khoa chữa trị chấn thương.

Thế nhưng, cuối cùng thì thủ thành U23 Việt Nam lại chỉ nhận án phạt treo giò 4 trận, nộp phạt 15 triệu đồng. Lý giải về án phạt này, Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho biết may là Bửu Ngọc không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu Duy Long bị… gãy chân, chắc chắn Bửu Ngọc sẽ khó thoát án phat nặng.

Duy Long đã may mắn không bị gãy chân và điều đó cũng giúp cho Bửu Ngọc thoát một án phạt nặng. Tuy nhiên, về bản chất, Bửu Ngọc vẫn đã chủ ý vào bóng theo kiểu triệt hạ đối phương. Vì thế, chỉ xét trên góc độ hành vi, thủ môn này hoàn toàn có thể bị phạt nặng hơn là án kỷ luật vừa được đưa ra. Quan trọng hơn, với việc phải chờ có hậu quả mới xử nặng của Ban kỷ luật VFF, sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho bóng đá Việt Nam.

 

Theo Đại đoàn kết

.