Một loạt các cuộc Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) 2016, Đại hội đồng cổ đông thường niên VPF và Lễ bốc thăm, sắp lịch thi đấu các giải BĐCN quốc gia… đã được VPF tổ chức những ngày gần đây. Nhiều cuộc họp đang cho thấy quyết tâm tiến dần lên chuyên nghiệp thực sự của nhà tổ chức các giải đấu cao nhất của bóng đá Việt.

 


Có sự “ngồi nhầm chỗ”…

Giải đấu cao nhất của bóng đá V-League thường được ví von là giải đấu nghiệp dư khoác cái áo chuyên nghiệp suốt nhiều năm qua. V-League 2015 từng được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt thay đổi suy nghĩ và tư duy của tất cả nhưng kết cục đã cho thấy mùa giải này còn tồi tệ hơn các năm trước ở tất cả các mặt.

Khâu tổ chức kém, trọng tài mắc quá nhiều sai sót, bạo lực không suy giảm, thậm chí vấn đề “xin cho” điểm giữa các đội bóng còn có dấu hiệu tăng lên. Thế nhưng đáng buồn nhất là sau rất nhiều “cú phốt” đáng hổ thẹn thì VPF, VFF không tự thừa nhận yếu kém để chỉnh sửa…

Sự kỳ vọng đã trở thành nỗi thất vọng và lúc này không ít người dám hy vọng V-League 2016 sẽ chuyên nghiệp thực sự. Họ không hi vọng bởi vẫn trông thấy trong thành phần các ban bệ, các bộ phận điều hành, nhân sự chủ chốt của công ty VPF cũng như bóng đá chuyên nghiệp quốc gia… như đang ngồi nhầm chỗ.

Vẫn chỉ là sự hoán đổi vị trí như ông chuyên tổ chức thi đấu Nguyễn Minh Ngọc ngồi ghế Phó TGĐ Cty; ông Trưởng ban trọng tài (thuộc VFF) Nguyễn Văn Mùi kiêm luôn ghế Phó trưởng BTC V-League… Vẫn còn đó, tình trạng một ông bầu của một đội bóng nhưng thừa sức ảnh hưởng tới 3 CLB khác cùng tham gia ở giải đấu cao nhất. Nhiều quan chức cốt cán thuộc VFF và VPF vẫn là ông chủ tối thượng ở CLB vẫn y chang một kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi…

Cùng với đó là những lùm xùm xung quanh việc đội Cà Mau xin rút khỏi giải hạng Nhất 2016, người ta đã nhanh nhảu tung tin để Bình Định thế vai (thông báo bằng miệng) dẫn đến tình cảnh khóc dở mếu dở khi Cà Mau có sự can thiệp của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã cố để có đủ tiền và lại xin dự giải.

Cà Mau cũng đã chính thức được VFF chấp thuận cho thi đấu Giải hạng nhất quốc gia và Cúp QG 2016 nhưng việc vài cá nhân trong Thường trực VFF quá nhanh nhảu trong việc chấp thuận cho Cà Mau rút lui mà không cần tìm hiểu, đồng thời liên hệ để Bình Định thay chỗ (đội bóng này đã sớm bắt tay tập trung chuẩn bị). Nhiều người theo dõi bóng đá Việt cho rằng đấy không phải là chuyện vô tình giẫm chân nhau giữa VFF và VPF mà là sự va đập có chủ đích…
    
Những tia hi vọng

V-League 2016 sẽ khai mạc vào ngày 20/2 và kết thúc ngày 18/9. 7 tháng cho mùa giải chuyên nghiệp lần thứ 16, khát vọng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lột xác luôn cháy bỏng trong lòng người hâm mộ nước nhà và đã có những tín hiệu sáng ngay từ lúc này.

Ngày 24/12 tới, Toyota sẽ ký hợp đồng tài trợ cho V-League 2016. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Công ty ô tô Toyota Việt Nam đứng ra tài trợ cho giải đấu số 1 của Việt Nam. Bên cạnh đó, VPF năm nay cũng rất tích cực đẩy mạnh kênh truyền thông và coi đây là mục tiêu trọng tâm trong việc tìm kiếm những nguồn tài trợ mới.

Tín hiệu đáng mừng là VPF cam kết mùa giải 2016 sẽ hỗ trợ trước thuế cho 14 CLB V-League 16,8 tỉ đồng, 10 CLB hạng nhất là 6 tỉ đồng. Tổng hỗ trợ các CLB là 22,8 tỉ đồng. Vẫn như hai mùa 2014, 2015, cổ đông chính của VPF là Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) sẽ được nhận 10 tỉ đồng trong năm 2016 để phục vụ công tác đào tạo trẻ, các đội tuyển bóng đá quốc gia, đào tạo trọng tài, các hoạt động khác. Như vậy, sau khi hỗ trợ các CLB và VFF, lợi nhuận dự kiến của VPF là hơn 1,8 tỉ đồng.

Một vấn đề khiến các CLB cũng như dư luận quan tâm là bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ sau hàng loạt những tai nạn đáng tiếc trong các mùa giải vừa qua như Anh Hùng, Anh Khoa… Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết: “Việc đàm phán với đối tác cung cấp bảo hiểm đã hoàn tất nhưng vì lý do đang chọn thời điểm giới thiệu hợp đồng nên lúc này chúng tôi chưa thể tiết lộ danh tính đối tác”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết: “VPF đã đạt được thỏa thuận mua bảo hiểm cho 920 cầu thủ, HLV, VĐV cho hai mùa giải 2016 và 2017 mà không phải bỏ ra bất cứ đồng tiền nào mà thông qua hợp đồng tài trợ, hàng đổi hàng. Tôi rất vui vì điều này”. Cùng với đó, VPF cũng sẽ siết chặt kỷ cương hơn.

“Theo điều lệ, với CLB ngoại hạng phải có 4 đội trẻ từ U15 trở lên và với hạng nhất là 3 đội trẻ. Theo xác định từ phía VFF, vẫn còn một số CLB chưa đáp ứng được điều kiện này. Năm nay, kỷ luật sẽ được siết chặt, nếu CLB nào không đáp ứng được thì phải nộp phạt 200 triệu đồng (đối với V-League) và 100 triệu đồng (hạng Nhất)” – Phó Chủ tịch VPF Phạm Ngọc Viễn tiết lộ.

Một bước tiến lớn nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam đã được VPF quyết tâm làm trong sạch nó bằng nhiều biện pháp khác nhau. VPF đang làm việc với tập đoàn Sportradar - tập đoàn chuyên kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn những vụ bán độ thể thao trên toàn cầu.

Một vấn đề được đặt ra là việc những mùa trước, VPF thiếu kiên quyết trong việc yêu cầu các CLB cải thiện cơ sở vật chất ở các sân bóng khiến V-League phải mang diện mạo thiếu thẩm mỹ và để cải thiện hình ảnh cho giải đấu cũng đã được ông Cao Văn Chóng tuyên bố sẽ cương quyết yêu cầu các CLB phải thay đổi.

Ông Chóng cũng tuyên bố nếu các CLB không hoàn thành các hạng mục đúng thời hạn thì họ sẽ phải thi đấu ở sân trung lập. Sự mạnh tay này hy vọng sẽ giúp V-League thoát khỏi diện mạo kém thẩm mỹ như nhiều mùa bóng vừa qua. 

 

Theo Đại đoàn kết

.