U19 Việt Nam thua sát nút Nhật Bản, không có nghĩa là bóng đá trẻ Việt Nam gần bằng Nhật Bản, Olympic Việt Nam thắng đậm Iran cũng không có nghĩa là chúng ta ở trên tầm họ. Nhưng đấy rõ ràng là những tín hiệu lạc quan.
 


Đội tuyển U19 Việt Nam thua Nhật 1 lần cách nay 8 tháng ở cúp Nutifood, nhưng khi gặp lại đoàn quân của HLV Graechen Guillaume không thấy “cúm”, ngược lại biết cách nhận ra các sai lầm trước đây của mình để giúp mình tốt hơn.

Đội Olympic Việt Nam cũng khác xa so với hình ảnh bạc nhược của đội U23 hồi SEA Games năm ngoái, càng khác với đội tuyển quốc gia dự vòng loại Asian Cup 2015. Đấy là cái đội mà chưa ra trận người ta đã nghĩ đến chuyện sớm chia tay cuộc chơi, đang đá giữa chừng thì ông HLV trưởng lại nhường quyền chỉ đạo cho trợ lý.

Thật ra chính tư tưởng đấy làm hại cầu thủ nội nhiều năm qua, U19 Việt Nam và Olympic Việt Nam vừa cho thấy một hình ảnh khác. Họ đá bóng nhưng không sợ thua, họ đá bóng và tin vào khả năng tạo nên bất ngờ của chính mình, trước khi khiến cho đối phương thấy ngại cái tinh thần ấy.

Cần thay đổi về nhận thức

Thắng lợi của Olympic Việt Nam trước Iran chứng minh lâu nay chúng ta đâu có kém đến mức không thể đá đàng hoàng với những đại diện đến từ những nền bóng đá tầm châu lục.

Điểm kém nhất với các cầu thủ Việt Nam nằm ở chỗ cầu thủ nội nổi tiếng quái đến mức họ thường chọn sân chơi có thành tích mới cố đá, và thường thì cầu thủ không cố ở các giải đấu tầm châu lục, vì họ nghĩ đấy là các giải đấu khó đem lại thành tích. Mà cũng không riêng cầu thủ, ngay cả một số người lớn đôi khi cũng thế, vì người lớn cũng chỉ thường trông vào những giải dễ có thành tích để báo cáo.

Cái hiệu ứng từ U19 Việt Nam có thể đã thay đổi điều đó. Phần đông các cầu thủ U19 Việt Nam được tạo ra từ một môi trường lành mạnh hơn hẳn môi trường mà người ta thường thấy nơi bóng đá nội. Môi trường ấy khác lạ hẳn so với làng cầu cả nước, nên sản phẩm của môi trường vừa nêu cũng mang trong mình tư tưởng khác với tư tưởng của phần đông cầu thủ nội.

Rồi khi U19 Việt Nam chơi hay, chơi nhiệt tình, chiếm được cảm tình của người hâm mộ, không ít thì nhiều cái hiệu ứng từ đội này lan sang các đội khác. Mọi cầu thủ đều muốn được khán giả yêu, mà tình yêu chỉ đến một khi người ta tới với nhau bằng những gì chân thật nhất.

Đấy nói cho cùng là thành công của thứ bóng đá tử tế, thành công của tư tưởng hướng về bóng đá tử tế, nó bớt đi những toan tính nơi hậu cảnh, nó gạt sang một bên những tư tưởng không ngay, giới cầu thủ dường như đang có sự thay đổi rằng khi bước ra sân trước tiên họ cứ đá hết mình đi cái đã, thay vì lăn tăn với những vấn đề ngoài chuyên môn.

Đá hết mình, chơi thật, cống hiến thật, cầu thủ Việt Nam đâu kém đến mức không thể đá đàng hoàng với các đội mạnh. Không có nền bóng đá không có tiềm năng, chỉ có những nền bóng đá mà ở đấy, những người trong cuộc không tin vào tiềm năng của mình và không nhận ra tiềm năng đấy ở chỗ nào?
 

Theo Dân trí

.