Thói quen không đi xem hát, thích hưởng thụ miễn phí đang hình thành ở công chúng khi các chương trình ca nhạc phục vụ cho mọi đối tượng người xem phát thừa mứa trên sóng truyền hình
 
 
Cũng cần ghi nhận rằng các chương trình ca nhạc truyền hình phát triển đã giúp cho nhiều ca sĩ có cơ hội đến được với số đông khán thính giả qua màn ảnh nhỏ theo nhiều cách thức khác nhau. Như chia sẻ của ca - nhạc sĩ Phương Uyên: “Nếu không có chương trình Dấu ấn, có lẽ, cuộc đời tôi sẽ chẳng có được đêm nhạc riêng nào vì tôi không có tiền để làm riêng cho mình một buổi diễn”.
 
Tương tự, ca sĩ Siu Black cũng có được live show tươm tất trong chương trình Dấu ấn, nhất là ở thời điểm chị phải đối mặt với tình trạng nợ nần bủa vây.
 
Ngay cả với ca sĩ Hiền Thục, một giọng ca lâu năm, cũng không nghĩ sẽ tổ chức được live show cho mình vì phải dành tiền lo cho con gái. Chương trình Dấu ấn đã giúp cho Hiền Thục thực hiện được ước mơ của bản thân.
 
Với những chương trình biểu diễn lên sóng định kỳ có số đông ca sĩ trình diễn, sóng truyền hình là phương tiện quảng bá hiệu quả nhất hình ảnh cho mỗi ca sĩ tham gia trong thời buổi sân khấu ca nhạc gần như đóng băng và phòng trà ca nhạc trong tình trạng ế khách.
 
Lợi bất cập hại
 
“Thời buổi khó khăn nên những phí tổn cho giải trí không còn được người tiêu dùng ưu tiên trong chi tiêu của mình, minh chứng là nhiều nhà hát, sân khấu chật vật bán vé mỗi khi tổ chức chương trình biểu diễn” - bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm Biểu diễn Rạng Đông, nói. Đó là một thực tế bởi không ít chương trình tổ chức trong thời gian gần đây không thể bán được vé dù tập hợp rất nhiều ngôi sao tên tuổi trên thị trường âm nhạc. Thậm chí, chương trình mừng năm mới vừa qua diễn ra tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh đã phải hủy 3 trong số 5 buổi diễn vì không bán được vé dù chương trình toàn “sao”.
 
Nhạc sĩ Lê Quang cho rằng: “Thời nay, khán giả không còn thói quen đến sân khấu thưởng thức ca nhạc nữa bởi trên sóng truyền hình không thiếu thứ gì. Sân khấu có làm kiểu gì cũng vắng khách. Không thu hút được khán giả, tiền và cả chất xám của đội ngũ thực hiện đã bỏ ra đều phải đổ sông đổ biển. Không ai còn hứng thú nghĩ đến việc tổ chức chương trình trên sân khấu ca nhạc. Hệ quả là sân khấu ca nhạc đóng băng còn chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình càng phát triển và khán giả Việt lại  ngày càng lười đến sân khấu hơn”.
 
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, vấn đề đáng quan tâm chính là chất lượng các chương trình ca nhạc truyền hình với đủ loại thượng vàng hạ cám và đa số thì dưới chuẩn nghệ thuật. Ông Thái Huân, Giám đốc Công ty Tổ chức Biểu diễn Legato, nhận xét: “Ai cũng có thể làm chương trình ca nhạc, từ thương hiệu lớn đến thương hiệu nhỏ và đều có những tên gọi rất “kêu”, vượt xa chất lượng thực tế của chương trình. Thậm chí, từ live show cũng bị lạm dụng một cách vô tội vạ. Chương trình ca nhạc truyền hình quá nhiều nên những giọng ca quá kém vẫn có cơ hội biểu diễn.
 
Hầu hết giới chuyên môn đều lo lắng thị hiếu nghe xem nhạc của công chúng đang bị kéo xuống thấp. “Với nhiều đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc truyền hình, để thu hút công chúng trẻ, họ mời cả “sao” trẻ hát nhạc xưa, nhạc cách mạng dù chất giọng không phù hợp hoặc không có khả năng chuyển tải ca khúc thuộc những dòng này. Những giọng ca yếu kém này làm cho những ca khúc kinh điển trở nên dở đi trong cảm nhận của công chúng” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lo lắng.
 
Thả nổi chất lượng
 
Nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng: “Sự bùng nổ các chương trình truyền hình ca nhạc làm cho khán giả bị bội thực đến mức nhàm chán. Việc nhà đài giao trọn quyền sản xuất chương trình cho nhà tài trợ hoặc đơn vị mua sóng nên không ít chương trình được biên tập, dàn dựng cẩu thả, lăng-xê những giọng ca dở tệ, những ngôi sao ảo khiến cho người xem càng thất vọng. Trong buổi họp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Nam mới đây, nhiều  nhạc sĩ cũng bức xúc về vấn đề này nhưng vì nội dung chương trình không vi phạm pháp luật nên không giải quyết được gì. Qua đó, nổi lên vấn đề lợi ích nhóm, quyền trong tay đơn vị mua sóng truyền hình, nhà đài không có quyền xen vào chất lượng nội dung, họ muốn đưa ai lên sóng làm gì là tùy, miễn không vi phạm quy định cấm của nhà nước là được”.
 
Đó là chưa kể kinh phí tổ chức của mỗi chương trình truyền hình luôn có hạn nên tiền tới đâu làm tới đó. Vì vậy, chất lượng chương trình được nâng lên hay không còn tùy vào sự đóng góp kinh phí thêm của ca sĩ trong mỗi tiết mục họ trình diễn hay live show của họ.
 
Theo Người lao động
.