Sau hơn 20 năm, TTVN vẫn “ngụp lặn” ở sân chơi ASIAD và có một thực tế đáng buồn là chúng ta vẫn chưa có một lối đi thực sự “chuẩn”, với sự đầu tư tương xứng cho các môn chính thống Olympic, cùng với đó là nền tảng từ khâu đào tạo trẻ.

 


Có một sự thật đáng buồn cho TTVN tại sân chơi lớn nhất châu lục, cứ qua một kỳ ASIAD, bắt đầu từ Busan (Hàn Quốc) 2002 đến nay, thành tích của chúng ta lại giảm dần. Nếu như năm 2002, VN giành thành tích tốt nhất qua kỳ ASIAD với 4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ thì ở Doha (Qatar) 2006 thành tích giảm xuống còn (3, 13, 7). Thảm nhất là kỳ ASIAD 2010 (Quảng Châu) và ASIAD 2014, chúng ta có tấm HCV duy nhất.

Một thực tế đáng buồn nữa là những tấm HCV ở môn cơ bản, ngày càng “mất bóng” ở sân chơi ASIAD và chúng ta buộc phải chờ vào những môn chấm điểm cảm tính để hoàn thành chỉ tiêu. Đã 3 kỳ ASIAD qua, TTVN chưa giành được bất cứ tấm HCV nào ở các môn cơ bản.

Tại ASIAD 17, rất nhiều những gương mặt trẻ của đoàn TTVN đã thi đấu thành công, để lại dấu ấn lớn. Chúng ta có thể kể đến Ánh Viên của môn bơi, Thạch Kim Tuấn của cử tạ, Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo ở điền kinh… Đây đều là những tài năng trẻ đã được đầu tư đặc biệt trong thời gian qua và ít nhiều cho thấy kết quả rất khả quan.

Từ sân chơi ASIAD, có thể khẳng định TTVN không thiếu tiềm năng nhưng đặt ra bài toán khó đối với các nhà làm thể thao là phải làm sao thực hiện thật tốt khâu tuyển chọn, luyện tập - giáo dục và đầu tư tập huấn chu đáo để họ có đủ khả năng vươn lên đỉnh cao.

Khâu tuyển chọn và đào tạo trẻ mang tính sống còn với mỗi nền thể thao, nhưng ngay cả khi TTVN có những đầu tư đặc biệt trong thời gian qua, vẫn là chưa đủ. Nhìn lại những niềm hy vọng vàng của TTVN, chúng ta vẫn phải trông chờ nhiều ở những cựu binh như Tiến Minh (cầu lông), Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Hoàng Ngân (karate), Vũ Thị Hương (điền kinh)…Và sau khi lứa thế hệ này giải nghệ, những khoảng trống khó được lấp.

TTVN đã xác định chuyển hướng đầu tư cho các môn Olympic nhưng cách làm của chúng ta vẫn có nhiều bất cập. Đầu tư và phát triển trong thể thao mang tính đặc thù riêng biệt, bởi thành công không chỉ đơn giản là quyết tâm, hay tiền bạc mà còn phụ thuộc rất nhiều những yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là vấn đề nền tảng.

Như vậy, vấn đề nâng tầm nền thể thao VN không chỉ là khâu đầu tư trọng điểm, mà còn là xây dựng lứa VĐV trẻ tiềm năng. Tất cả các quốc gia đều bắt đầu việc tìm kiếm tài năng thể thao từ hệ thống các trường học và các CLB. Cứ nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, họ có một lực lượng trẻ hùng hậu ở sân chơi ASIAD hay Olympic. Theo ông Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao), để có một đội ngũ VĐV tốt, đầu tiên phải đẩy mạnh thể thao học đường, các tỉnh thành đều tham gia vào quá trình tuyển chọn và huấn luyện, nhất là cần phải bỏ kinh phí. Nên nhớ để có được thành tích của Anh Viên, của Quách Thị Lan thì chúng ta mỗi năm phải bỏ hàng chục tỷ đồng tiền tập huấn.

“Lối đi nào cho TTVN?”, câu hỏi này bao giờ mới có lời giải?

 

Theo Vietnamnet

 

.