Thể thao Việt Nam: Dậm chân và thụt lùi
Cập nhật lúc 09:55, Thứ ba, 07/08/2012 (GMT+7)
Nếu lấy số lượng huy chương làm thước đo cho sự phát triển, thì từ Thế vận hội Sydney năm 2000 đến London 2012, thể thao VN đang dậm chân tại chỗ ở đấu trường danh giá nhất thế giới. (may mắn, tư lệnh ngành, thể thao VN, thất bại)
Nếu lấy số lượng huy chương làm thước đo cho sự phát triển, thì từ Thế vận hội Sydney năm 2000 đến London 2012, thể thao VN đang dậm chân tại chỗ ở đấu trường danh giá nhất thế giới.
Nếu khắt khe, thậm chí có thể nói chúng ta đang tụt hậu.
Tại Thế vận hội Olympic Sidney 2000, nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân đã đem về chiếc huy chương đầu tiên cho VN ở môn Taekwondo. Bốn năm sau đó, VN có tấm HCB Olympic thứ hai với VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn (hạng cân 56kg nam).
So với Trần Hiếu Ngân, thành tích của Hoàng Anh Tuấn ở thời điểm trên được đánh giá cao hơn, do chiến thắng không chứa đựng yếu tố may mắn nhiều như trước.
Thực tế là so với hai kỳ Thế vận hội gần nhất, Olympic London 2012 có thể xem là kỳ Thế vận hội thành công của TTVN, xét ở góc độ số lượng VĐV tham dự theo “cửa chính”.
Trong lịch sử 32 năm tham gia đấu trường Olympic, chưa bao giờ VN có số lượng VĐV giành vé chính thức đông tới vậy, 18 người. Cử tạ, Taekwondo, TDDC và bắn súng là những môn được kỳ vọng giành huy chương.
Tuy nhiên, thất bại chóng vánh của gần hết các môn trên đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa thể thao VN so với thế giới. Hay gọn hơn là trong khu vực. Thái Lan, Malaysia hay Indonesia dù còn khiêm tốn nhưng vẫn duy trì được thành tích khá ổn định ở Olympic.
Lãnh đạo ngành thể thao cũng như Trưởng các bộ môn có VĐV tham dự Olympic London 2012 đều thừa nhận rằng, trên thực tế hy vọng đoạt huy chương ở những môn trọng điểm của VN cũng chỉ 50-50, tức vẫn phụ thuộc khá nhiều vào may mắn.
Cử tạ có lẽ là một ngoại lệ duy nhất, khi với cả Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn, chúng ta phần nào đó “cân đo” được thực lực của các đối thủ để đặt ra chỉ tiêu cụ thể. Thất bại của Quốc Toàn có chút thiếu may mắn, cộng với chiến thuật chưa thật sự hợp lý.
VN hiện vẫn còn Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (Taekwondo) và Nguyễn Thị Lụa (Vật) chưa thi đấu, nhưng khả năng giành huy chương tương đối thấp.
Taekwondo VN, trên thực tế đã có dấu hiệu thụt lùi và chỉ đang trong giai đoạn làm lại kể từ sau thời của Nguyễn Văn Hùng, võ sỹ năm lần liên tiếp giành HCV SEA Games.
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng buồn kể trên của VN ở đấu trường Thế vận hội? Đã có khá nhiều lý do được chỉ ra, từ nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, đến sự chuẩn bị chưa chu đáo…
Một lý do khác được nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu (báo Đầu Tư) vừa qua đề cập đến: thể thao VN thiếu một vị “tướng” có khả năng hoạch định, tập hợp lực lượng và đưa ra những quyết sách đúng đắn.
Tổ chức bộ máy của Bộ VH-TT&DL hiện nay lại khiến Tổng cục TDTT không phát huy được quyền hạn và vai trò, khi chỉ là đơn vị cấp hai.
Thực trạng thể thao VN hiện nay dễ dẫn đến những liên hệ với các bộ ngành khác, khi người đứng đầu được xem như “tư lệnh ngành”.
Ai là tư lệnh ngành của thể thao VN?
Theo Nguyên Phong
Tien Phong
.