leftcenterrightdel
VĐV Dương Thúy Vi, người giành được HCV duy nhất cho Thể thao Việt Nam tại ASIAD Incheon 2014. Nguồn ảnh: Báo Thể thao Việt Nam. 

Theo ông Trần Đức Phấn, các môn thi đấu của Việt Nam đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Ban Tổ chức ASIAD và các VĐV đang chờ ngày lên đường sang Indonesia. Riêng môn vật, Ban Tổ chức ASIAD yêu cầu VĐV phải có thẻ thi đấu của Liên đoàn Vật thế giới cấp. Vì vậy, thẻ thi đấu cho VĐV Việt Nam sẽ được hoàn tất sớm nhất.

Các môn thi đấu cũng đã chốt danh sách VĐV, trừ môn bóng đá vì sau Cúp VinaPhone (từ ngày 3-7/8), ban huấn luyện mới chốt danh sách 20 cầu thủ.

Đến thời điểm này, tình hình sức khỏe, chuyên môn của các thành viên trong đoàn Thể thao Việt Nam, đặc biệt là các VĐV đều rất tốt.

Hiện Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho lễ xuất quân. Dự kiến sự kiện này sẽ được tổ chức trang trọng vào  19h00 ngày 9/8 tại Nhà khách Chính phủ. Sau đó, đội tuyển bóng đá nam và các môn phải thi đấu vòng loại sẽ lên đường sang Indonesia ngay. Còn ngày chính thức lên đường của toàn đoàn là 14/8.

Cũng theo ông Phấn, thành viên của Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD lần này nhiều hơn so với các kỳ trước (523 người, trong đó có 352 VĐV) vì có nhiều môn được cử đi theo hình thức xã hội hóa (chủ yếu là các VĐV trẻ và các môn thi đấu biểu diễn).

Ông Trần Đức Phấn cũng bày tỏ băn khoăn về việc Việt Nam chưa có bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tác nghiệp của báo chí, truyền thông trong nước.

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18-ASIAD 2018 do Hội đồng Olympic châu Á (OCA) tổ chức diễn ra tại Indonesia khai mạc vào ngày 18/8 và kết thúc vào ngày 2/9.

Tại Á vận hội lần này, Ðoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 3 Huy chương Vàng.

Các môn thể thao mà VĐV Việt Nam có khả năng giành HCV là: Điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ.

Có thể kể tới những VĐV xuất sắc và là niềm hy vọng giành HCV là: Hoàng Xuân Vinh (HCV bắn súng Olympic 2016), Dương Thúy Vi (HCV Wushu ASIAD 2014), Thạch Kim Tuấn (đương kim vô địch thế giới cử tạ nam hạng 56 kg).

Bên cạnh đó là các VĐV có khả năng tranh chấp HCV gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Tú Chinh (điền kinh), Bùi Thị Thu Thảo (đương kim vô địch châu Á nhảy xa nữ), Nguyễn Thị Huyền (đương kim vô địch châu Á chạy cự ly 400 m vượt rào nữ), Lê Thanh Tùng (đương kim vô địch châu Á nhảy chống nam, thể dục dụng cụ)….

Tại ASIAD Incheon (Hàn Quốc) năm 2014, Thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 HCV ở môn Wushu của Dương Thúy Vi. Nhưng ở Đại hội lần này, với lực lượng VĐV khá hùng hậu, mục tiêu “bỏ túi” ít nhất 3 HCV của Đoàn Việt Nam là có thể thành hiện thực.

Thành tích của đoàn TTVN qua một số kỳ ASIAD:


ASIAD lần thứ 9 (năm 1982): 1 HCĐ, xếp hạng 22/23 chung cuộc;

ASIAD lần thứ 11 (năm 1990): Không giành được huy chương;

ASIAD lần thứ 12 (năm 1994): 1 HCV, 2 HCB, xếp hạng 20/42;

ASIAD lần thứ 13 (năm 1998): 1 HCV, 5 HCB, 11 HCĐ, xếp hạng 22/41;

ASIAD lần thứ 14 (năm 2002): 4 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ, xếp hạng 15/45;

ASIAD lần thứ 15 (năm 2006): 3 HCV, 13 HCB, 7 HCĐ, xếp hạng 19/45;

ASIAD lần thứ 16 (năm 2010): 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ, xếp hạng 24/45;

ASIAD lần thứ 17 (năm 2014): 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ, xếp hạng 21/45 chung cuộc.

chinhphu.vn