Trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam không đạt được thành tích cao trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Điều này khiến không ít người cảm thấy bức xúc. Thậm chí, họ đặt vấn đề: có nên cử thí sinh dự thi hoa hậu thế giới nữa hay không?
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện vấn đề, chúng ta có thể thấy, sự thất bại của các thí sinh Việt Nam có những nguyên nhân nằm ngoài khả năng của thí sinh.
Lựa chọn thí sinh kiểu…ăn đong
Mỗi dịp cuộc thi Hoa hậu thế giới sắp diễn ra, trên các diễn đàn, các trang báo điện tử Việt Nam lại xôn xao những tin đồn về các “ứng cử viên” dự thi Hoa hậu thế giới. Việc dư luận đưa ra nhiều lựa chọn cho thấy, không có một thí sinh có tầm cỡ thực sự, “áp đảo” các thí sinh còn lại để giành tấm vé đến đấu trường sắc đẹp quốc tế. Nói cách khác, cho đến tận lúc cuộc thi sắp diễn ra, người ta vẫn băn khoăn không biết nên cử ai dự thi. Nó cũng cho thấy sự lúng túng, bị động của đơn vị tổ chức đưa thí sinh dự thi Hoa hậu thế giới.
|
Lại Hương Thảo tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2013 |
Tuy nhiên, sự lúng túng của họ có nguyên nhân từ sự “nghèo nàn” về nguồn lựa chọn thí sinh. Nguyên nhân sâu xa của sự nghèo nàn này chính là cách thức lựa chọn người đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước.
Cái khó của đơn vị đưa thí sinh đi thi chính là “nguồn” thí sinh. Dù các cuộc thi sắc đẹp diễn ra hàng năm ở nước ta khá nhiều nhưng những cuộc thi tầm cỡ quốc gia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, đơn vị cử thí sinh thi Miss World hoàn toàn không có mối liên hệ nào đối với các đơn vị tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa khôi thể thao…Nhà tổ chức hầu như không hề tính đến việc thí sinh sau khi đoạt giải có thể dự thi ở các đầu trường khu vực và quốc tế. Do đó, họ không tính đến các tiêu chí quốc tế khi xây dựng “thang điểm” để đánh giá thí sinh của mình.
Điều này dẫn đến việc, các thí sinh rất có khả năng nhưng không đủ “tiêu chuẩn” để dự thi Hoa hậu thế giới. Ngược lại, những thí sinh đủ điều kiện của cuộc thi Hoa hậu thế giới thì lại có không ít những băn khoăn, tồn tại. Nó dẫn đến tình trạng, mỗi khi cuộc thi sắp diễn ra, đơn vị cử thí sinh đi thi mới đau đầu tìm kiếm, lựa chọn những người đã đoạt giải trong các cuộc thi trong nước để dự thi.
Các Hoa hậu, hoa khôi của Việt Nam cũng chỉ tham dự 1 cuộc thi sắc đẹp duy nhất rồi thôi. Sự va chạm với môi trường của các cuộc thi rất hạn chế. Do đó, họ sẽ gặp không ít khó khăn khi tham dự Hoa hậu thế giới. Ở tầm cỡ một cuộc thi chuyên nghiệp có bề dày lịch sử hơn 60 năm sẽ không có chỗ đứng cho những thí sinh “nghiệp dư” lúng túng và bỡ ngỡ trong quá trình tham gia các hoạt động của cuộc thi.
Hơn nữa, cách lựa chọn thí sinh theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ” để tham dự cuộc thi tầm cỡ quốc tế thì sự thất bại là điều rất dễ hiểu.
Hoa hậu ngại đi thi Miss World để tránh…thị phi
Vài năm gần đây, không ít người đẹp giành giải trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước tỏ ra khá thờ ơ với việc dự thi Hoa hậu thế giới. Đây là một trong những “nghịch lý” rất đáng được quan tâm.
|
Hoàng My |
Tuy nhiên, việc thờ ơ của các hoa hậu cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó. Để giành được thứ hạng trong cuộc thi tầm cỡ quốc tế như vậy không hề đơn giản. Thất bại luôn nằm trong “tầm tay” của các thí sinh Việt Nam. Và khi thất bại, chắc chắn thí sinh dự thi sẽ nhận được sự “phẫn nộ”, sự “mổ xẻ” của dư luận. Nó làm cho hình ảnh của họ xấu đi trong mắt công chúng. Chính vì vậy, họ không “dại gì” tham dự cuộc thi mà họ cầm chắc thất bại và những thị phi không đáng có đi cùng.
Đặc biệt, ngay khi ai đó được lựa chọn đi thi, ngay lập tức, những phán xét, những scandal sẽ bủa vây họ. Hoàng My bị tố “vô ơn” ngay trước thềm dự thi Hoa hậu thế giới, Lại Hương Thảo cũng nhận được không ít lời “xì xào” khi được cử làm đại diện Việt Nam. Và sau khi 'tay trắng' về nước, Lại Hương Thảo vấp phải tin đồn mất 1 tỷ để mua ghế đại diện Việt Nam thi hoa hậu thế giới.
Dường như, dư luận Việt chưa mấy khi ủng hộ một cách tuyệt đối những người được cử đi dự thi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những người đẹp được lựa chọn làm đại diện Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp quốc tế. Nó làm cho nhiều người “sợ hãi” không muốn dự thi tại đấu trường quốc tế.
Để Việt Nam có thể cải thiện vị trí trong bản đồ sắc đẹp quốc tế, chúng ta cần có được một quy trình lựa chọn và đào tạo thí sinh một cách chuyên nghiệp và bài bản. Chỉ khi các cuộc thi sắc đẹp trong nước thực sự chuyên nghiệp, việc dự thi trở thành một thứ “nghề” của các thí sinh, thì khi ấy, Việt Nam mới có thể giành được những vị trí cao trong cuộc thi tầm cỡ quốc tế như Miss World.
Theo GDVN