Bóng đá Việt Nam thường có kết quả tốt trước các đội bóng Tây Á, nhưng với những đội Đông Á như Nhật Bản, chúng ta thường gặp rất nhiều khó khăn khi có lối chơi khá tương đồng nhưng đẳng cấp lại quá chênh lệch.


Với chiến thắng 4-0 trước U19 Tajikistan, U19 Nhật Bản giành vé vào bán kết của giải U19 châu Á, đồng thời đoạt vé tham dự vòng chung kết U20 thế giới diễn ra vào năm sau. Đây là lần đầu tiên U19 Nhật Bản lại vào đến một kỳ World Cup dành cho bóng đá trẻ kể từ năm 2007. Tại giải U20 World Cup 2007 diễn ra trên đất Canada, đội tuyển Nhật Bản thi đấu khá thành công khi vào đến vòng knock-out. Họ để thua CH Czech sau loạt sút luân lưu.

Tuy nhiên, mục tiêu của đội bóng xứ sở Mặt trời mọc không chỉ có vậy. Họ đang khao khát hơn bao giờ hết chức vô địch giải châu lục. Trong quá khứ, dù rất nhiều lần vào tới chung kết nhưng U19 Nhật Bản chưa bao giờ lên ngôi. Họ trở thành Á quân tới 6 lần trước đây.

 

 U19 Nhật Bản được đánh giá là đội bóng mạnh nhất giải châu Á 2016
U19 Nhật Bản được đánh giá là đội bóng mạnh nhất giải châu Á 2016


Gặp đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều là U19 Việt Nam, U19 Nhật Bản tự tin sẽ giành chiến thắng, nhưng chắc chắn cũng phải dành sự tôn trọng với đối thủ bởi những gì mà thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thể hiện tại giải là rất đáng khâm phục.

Trong những lần đối đầu trước đây, U19 Nhật Bản đều giành chiến thắng. Trận đấu đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra với chiến thắng 1-0 thuộc về đội bóng Phù tang tại VCK giải U19 châu Á 2004. 6 năm sau, U19 Việt Nam gặp lại họ tại VCK giải U19 châu Á 2010. Tuy nhiên, ở lần tái đấu đó, chúng ta thậm chí còn thua đậm hơn với tỷ số 0-4 trước những cầu thủ cùng trang lứa. Năm 2014, U19 Việt Nam của lứa Công Phượng rất triển vọng. Nhưng trong 3 lần gặp U19 Nhật Bản, họ đều thua, trong đó có trận thua tan tác 0-7.

Đó là quá khứ, còn hiện tại U19 Nhật Bản được đánh giá cao hơn nhiều. Tại giải U19 châu Á, các cầu thủ trẻ Nhật Bản thi đấu rất ấn tượng. Họ trình diễn lối chơi đậm chất kỹ thuật và tốc độ. Hàng thủ của U19 Nhật Bản cũng thi đấu rất vững chắc. Họ trở thành đội bóng duy nhất không để thủng lưới bàn nào sau 4 trận đấu. Hai năm trước, U19 Nhật Bản phải vào lưới nhặt bóng 4 lần khi kết thúc vòng bảng và sau đó bị loại bởi CHDCND Triều Tiên tại tứ kết.

Tất nhiên, tại giải năm nay, hàng thủ của U19 Việt Nam cũng để lại sự ấn tượng. U19 Việt Nam mới chỉ thủng lưới 2 bàn/4 trận VCK U19 châu Á 2016, thấp hơn hẳn các lứa U19 Việt Nam trước đó, năm 2014 (thủng 10 bàn/3 trận), năm 2012 (14 bàn/3 trận) và năm 2010 (9 bàn/3 trận).

Nếu hàng thủ U19 Nhật Bản giữ vững phong độ, đội tuyển U19 Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Tại giải năm nay, thầy trò Hoàng Anh Tuấn thường ghi được bàn thắng vào cuối trận, khi duy trì được thể lực tốt. Tuy nhiên, cũng cần nên nhớ rằng thể lực của Nhật Bản cũng được đánh giá rất cao và hơn 1 bậc so với U19 Việt Nam, nên đội bóng này sẵn sàng chơi đua sức nhưng vẫn chơi tốt trong 90 phút.

Ở giải đấu U19 châu Á lần này, Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng và đầu tư bài bản vào đội trẻ của họ. Trái với lứa U19 hai năm trước, gồm nhiều cầu thủ đang thi đấu ở các lò đào tạo trẻ, U19 Nhật Bản bây giờ tập hợp những cầu thủ đã được đăng ký và thi đấu ở các CLB tham gia các giải đấu cao nhất của Nhật Bản là J.League 1 hoặc 2, 3.

Nhật Bản chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể để vào chung kết và giành chức vô địch đầu tiên ở giải đấu dành cho lứa U19. Đây sẽ là bước đệm để đội bóng xứ Mặt trời mọc hướng tới U20 World Cup vào năm tới.
 

Theo Thùy Anh/Dân trí

.