Từ chuyện nhà bầu Đức...
Cho tới lúc này, lứa cầu thủ trẻ mà bầu Đức tạo ra như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... thực sự là rất tài năng. Chính bởi tài năng, việc những cầu thủ này được nhiều đội bóng nước ngoài để mắt cũng là xứng đáng.
Tuy nhiên, những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ nhà bầu Đức theo đánh giá thực sự không mấy thành công và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro sau những ngày tháng sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
|
|
Xuân Trường chơi không quá thành công khi đá ở K-League |
Công Phượng, Xuân Trường và cả Tuấn Anh đã không để lại được quá nhiều điều ở J-League II hay K-League, để rồi sau những chuyến xuất ngoại ấy đáng ngạc nhiên khi gần như tất cả đều đánh rơi phong độ một cách khá rõ ràng.
Điển hình nhất với trường hợp của Xuân Trường, rất nhiều người đã lo cho tiền vệ này sau chuyến đi đến Hàn Quốc trở về. Thậm chí, trước khi VCK U23 châu Á diễn ra, tiền vệ trưởng thành từ lò HAGL phải rất vất vả mới lấy lại được phong độ.
Ít được thi đấu, chấn thương... là những lý do khiến chuyến đi được bầu Đức kỳ vọng dành cho Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã không thể thành hiện thực.
Nhưng còn một lý do khác quan trọng nhất ít được nhắc đến vẫn là: Tất cả còn khá trẻ để có thể đứng vững ở một môi trường bóng đá khác biệt so với V-League.
Đến quyết định “om” Quang Hải của bầu Hiển
Quang Hải có tài năng hay không? Câu trả lời nằm ở chuyện đội bóng chủ quản của tiền vệ này sau Asiad đã nhận vô số lời đề nghị đến từ Nhật Bản, Thái Lan và thậm chí cả Argentina.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của CLB Hà Nội cũng đã được đưa ra với tương lai của một trong số những cầu thủ tài năng bậc nhất mà bầu Hiển đào tạo ra: Quang Hải chưa phải để bán.
Quyết định này cũng đã có phần nảy sinh nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng cách tính của CLB Hà Nội cũng hợp lý khi tấm gương cho cầu thủ xuất ngoại sớm từ HAGL vẫn còn nguyên giá trị.
|
|
Có lẽ là lý do lớn nhất khiến CLB Hà Nội "tạm om" xuất ngoại Quang Hải |
Quang Hải dù tài năng nhưng vẫn còn khá trẻ, và cũng mới chỉ lên chơi ở V-League đôi ba mùa gần đây để kinh nghiệm nói ít cũng không đúng, nhưng để nhiều e càng sai.
Nên nhớ rằng, ở một môi trường bóng đá mới, khác biệt hoàn toàn sẽ có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nếu vượt qua được trở ngại về ngôn ngữ, cách sống chuyện thành công khỏi phải nói, trái lại có thể ngậm trái đắng chứ không đơn giản.
Hãy nhìn vào chuyến đi đầu tiên của Công Vinh đến Bồ Đào Nha ở tuổi 24 với hành trang là tiền đạo số 1 của đội tuyển, sở hữu tới 3 danh hiệu QBV Việt Nam... nhưng đã thất bại như thế nào chắc không cần phải nhắc lại.
Với hành trang dày, được coi chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam như thế còn chưa thành công, thì với một cầu thủ trẻ như Quang Hải nguye thất bại là điều có thể nhìn thấy, không khác gì quân nhà bầu Đức trước đó.
Lựa chọn giải pháp “om” Quang Hải vào lúc này rõ ràng là hợp lý của CLB Hà Nội, khi tiền vệ tài năng của mình vẫn cần phải thử lửa nhiều ở V-League. Hay nói nôm na theo ngôn ngữ của dân bóng đá: Hải “con” còn phải học nhiều trước khi ra biển lớn, thế thôi!
Theo vietnamnet