Câu chuyện “tôi là diva, chị không phải là diva” gây ra không ít tranh luận, cả trên mạng xã hội lẫn trên mặt báo tuần qua. Nhưng từ đây đặt ra một vấn đề: các nghệ sĩ cũng như giới truyền thông nên bình tĩnh trước những danh xưng phù du, thậm chí lai căng không đúng thực chất.
   


Nhưng ngay sau đêm diễn khép lại, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn “chat” (trò chuyện) giữa Hà Trần và một tài khoản trên Facebook. Đoạn trò chuyện này lập tức gây “bão” bởi Trần Thu Hà chia sẻ, Thu Phương tuy lớn tuổi hơn nhưng “nổi” lên cùng thời với cô, Bằng Kiều, Phương Thanh, Lam Trường.

Khi bộ ba Lam - Nhung - Linh đã thành vedette trên các sân khấu lớn ở Hà Nội, Thu Phương vẫn chỉ là ngôi sao hát vũ trường. Nữ ca sĩ còn nói thêm, Thu Phương đã chuyển sang sinh hoạt văn nghệ ở Mỹ năm 2003, trước cô một năm. “Khi đó thì Việt Nam đã thừa nhận 4 divas rồi”.

Sau phát biểu này, Hà Trần nhận khá nhiều phản ứng của dư luận. Đa số ý kiến cho rằng Hà Trần nói ra điều đó là “đá xéo, hạ bệ” đàn chị Thu Phương. Dù cho Hà Trần có muốn nói chuyện “lịch sử nó như thế” đi chăng nữa thì vẫn là thiếu tinh tế. Nhưng từ chuyện này, một lần nữa làng nhạc Việt cũng cần xem lại những danh xưng không chính thức nhưng lâu nay nhiều người cứ quàng lấy làm ánh hào quang cho mình. Thậm chí, nhờ những danh xưng ấy để hét giá cát-sê.

2. Từ “Diva” bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ 19, có nguồn gốc từ tiếng Ý và có nghĩa là một nữ thần. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, ban đầu từ này chỉ dùng cho những nữ ca sĩ có giọng hát và tài năng xuất chúng, được sự ngưỡng mộ lớn từ công chúng của dòng nhạc opera. Sau đó từ diva được mở rộng dùng cho cả những người hoạt động lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc đương đại.

Trên thế giới, cũng chỉ có một số rất ít giọng ca được công nhận là Diva. Theo nhạc sĩ Thanh Bùi: “Diva là từ dành cho những nữ danh ca đã cống hiến hết mình cho âm nhạc như Celine Dion, Mariah Carey... Đó là những nữ ca sĩ có giọng hát hiếm, có tầm ảnh hưởng tích cực đối với nền âm nhạc của đất nước họ, được cộng đồng người yêu nhạc công nhận”.

Vậy mà ở Việt Nam đã có tới 4! Thật là đáng “khâm phục”. Nhưng cũng cần nhắc lại, danh xưng này ở Việt Nam không được thừa nhận, cũng không có tổ chức nào phong tặng. Danh xưng diva ở Việt Nam do các ông bầu, các nhạc sĩ có “gà nhà” tự tôn vinh, hay do truyền thông tôn xưng nhưng nếu các ca sĩ thấy không xứng thì cũng nên “cải chính”. Đừng cứ vơ vào, đừng lấy đó làm ánh hào quang để “âm ỉ sướng”, đến khi có ai động vào lại nhảy dựng lên, như thế “chỉ mình ta mới xứng, các ngươi thì không”.

Đến nay, trong số 4 ca sĩ được quen gọi là diva ở Việt Nam, mới chỉ thấy Mỹ Linh lên tiếng: “Mọi người gọi như thế nhưng bản thân tôi chưa bao giờ dám nhận là như thế”. Cô ca sĩ Tóc ngắn này cũng thẳng thắn: “Được gọi là Diva nhạc Việt thì rất tự hào nhưng cũng đừng nghĩ rằng Diva là cái gì ghê gớm. Dù bạn có là Diva của 10 năm, 20 năm trước thì không có nghĩa bây giờ bạn là tượng đài gì ghê gớm đến mức có thể nói rằng không ai thay thế được. Ai cũng có thể thay thế được cả”.

Câu nói của Mỹ Linh được cho là chừng mực và rất thẳng thắn. Đừng coi đó là “tượng đài gì ghê gớm”, Diva chỉ là một từ “là lạ” mà xứ này người ta quen xính ngoại nên hay dùng mà thôi.

Hoặc như ca sĩ Ánh Tuyết gần đây cũng chia sẻ: “Khi tôi sang Mỹ hát, ông Tô Văn Lai từng nói rằng tôi mới đúng là một diva. Tuy nhiên, tôi chỉ biết xua tay: Cho em “đi ra”, “đi vọt” gì cũng được chứ đừng kêu em “đi va”. Nếu là người thích vơ vào, hẳn Ánh Tuyết cũng thừa sức “mượn lời” truyền thông để lăng xê và bám níu vào cái danh xưng hão huyền đó. Theo nghệ sĩ Ánh Tuyết, chị rất dị ứng với các danh xưng, trong đó có cả từ diva.

“Thực tế, tôi không có cảm giác với từ diva ở Việt Nam. Ở nước ngoài, Diva phải hội tụ nhiều yếu tố: tài năng, trình độ, sự cống hiến... Họ xuất hiện là giống như một vì sao tỏa sáng. Còn ở Việt Nam việc trao danh xưng cho một ai đó quá dễ dàng. Điều này khiến tôi không còn cảm giác với những danh xưng này nữa. Còn thế nào mới xứng đáng là một diva thì tôi không dám lạm bàn”.

3. Làm nghệ thuật nói không quan tâm đến danh xưng quả thật là sự dối trá. Ai cũng muốn mình được xã hội công nhận. Ai cũng muốn mọi người ghi nhận những cống hiến, sự khổ luyện của mình. Và xã hội chúng ta cũng đã có những danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú để công nhận những đóng góp trong nghệ thuật.

Nhưng, những danh xưng như diva, hay “ông hoàng nhạc Việt”, “nữ hoàng nhạc dance”, “công chúa nhạc pop”... vẫn tồn tại. Xã hội cởi mở, không ai “phạt tội” gì khi tự phong hay tự sướng với những danh hiệu phù du, thậm chí lai căng ấy.

Song, phàm đã là nghệ sĩ, là người của công chúng thì rất cần tỉnh táo. Biết cái gì là của mình, biết cái gì là bọt bèo phù du để đừng xót xa quá, hoặc đừng hoắng lên, như thể mình bị soán ngôi, mình bị lấy mất. Đúng như nhạc sĩ Thanh Bùi đã bày tỏ: “Thiết nghĩ chúng ta không nên tập trung vào những danh xưng, những tranh cãi mà hãy tập trung vào chiều sâu của âm nhạc. Chúng ta phải làm sao để thế hệ sau nhìn vào và thấy được những điều tích cực”. Ấy mới là nghệ sĩ chân chính.    

 

Theo Đại đoàn kết
 

.