Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp cuối năm, các hãng phim lại vào cuộc đua cho ra mắt món ăn tinh thần ngày Tết. Dù đa số là phim hài, nhưng cũng thật khó để khán giả lựa chọn được món ngon.
 


Bên cạnh phim hài Tết, khán giả cũng sẽ được thưởng thức 2 bộ phim mới là “Ám ảnh” và “Siêu trộm”. Trong đó, bộ phim “Ám ảnh” (đạo diễn Bảo Nguyễn) được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá mới khi ekip thực hiện là những nhân tố trẻ và hoàn toàn mới trong làng điện ảnh Việt. Bộ phim kinh dị Việt có sự tham gia của Yaya Trương Nhi, từng lên kế hoạch ra rạp trong mùa hè 2015, nhưng sau đó buộc phải chỉnh sửa rất nhiều theo ý kiến của Cục Điện ảnh và cho tới gần đây mới thực sự hoàn tất. Sau những thay đổi thì “Ám ảnh”  không còn gắn mác kinh dị nữa, mà được quảng bá là một tác phẩm mang thiên hướng giật gân.

Tuy nhiên, có điều rất lạ là hầu như bộ phim nào của Việt Nam bị “tuýt còi” buộc phải sửa lại kịch bản lại luôn “thắng” bởi chính sự tò mò từ khán giả. Nhân tố lạ mới thứ hai chính là bộ phim “Siêu trộm” thuộc thể loại đột nhập phi pháp hiếm hoi ở Việt Nam. “Siêu trộm” được kỳ vọng bởi người đứng sau bộ phim là đạo diễn Hàm Trần - nhà làm phim trở về từ Hollywood và từng gây tiếng vang với “Âm mưu giày gót nhọn” cùng “Đoạt hồn”. Không mang nội dung hay đề tài gần gũi với người Việt, nhưng đó chính là cái lợi dành cho “Siêu trộm” nếu như khán giả cảm thấy “ngán” các bộ phim hài Tết, muốn thử nghiệm chút gia vị trinh thám hoặc hành động… Và chính những nhân tố mới này mà mùa phim Tết ở Việt Nam năm nay lại càng có nhiều màu sắc thú vị, độc đáo hơn, chứ không chỉ gói gọn trong phim hài hoặc tình cảm như nhiều năm trước nữa.

Có thể thấy sau 10 năm, khi ngành điện ảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển, thì với phim Tết lại là vô số những thách thức. Thực tế, khán giả trong những ngày nghỉ Tết với tâm lý nghỉ ngơi, thảnh thơi thì  việc tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh cũng có phần dễ dãi. Thông thường, những bộ phim hài hước nhẹ nhàng, có thể chứa đựng thông điệp liên quan đến tình cảm gia đình hoặc niềm tin, là lựa chọn hàng đầu của công chúng vào những ngày đầu năm. Từ đó tất yếu để đánh vào tâm lý khán giả, các nhà sản xuất phim chỉ còn cách chọn hài, ngay cả những phim kinh dị cũng phải có yếu tố hài hước. Bên cạnh đó, phim hài không tiêu tốn quá nhiều tiền đầu tư.

Ngoài số tiền chính là chi trả cát-xê cho nghệ sĩ tên tuổi, thì khâu xử lý hậu trường được thực hiện đơn giản, nên khả năng lấy lại vốn trong tầm tay hoặc chịu lỗ sẽ không cao… Từ đó nhìn các bộ phim mới chuẩn bị trình làng mới thấy khán giả sẽ không có nhiều lựa chọn cho “món ăn” tinh thần ngày Tết.

 

Theo Đại đoàn kết

.