Khi những MV xuất hiện quá nhiều, phim ngắn ca nhạc trở thành một hướng đi phá cách, thỏa mãn tâm lý muốn thưởng thức “món lạ” của khán giả. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng theo các bộ phim này mà phát sinh.

 


Tiên phong cho phong trào làm MV ca nhạc “như phim” có thể kể đến Lý Hải với sê-ri Trọn đời bên em, Ưng Hoàng Phúc với hai phần của clip Vệ sĩ (mỗi phần kéo dài khoảng 10 phút) gây tò mò, thích thú cho khán giả. Nhưng, chính thức gọi sản phẩm của mình là “phim ngắn ca nhạc” và phát hành dưới định dạng DVD phải kể đến The Men với Nếu không phải là em. Từ đây, liên tục các ca sĩ khác “nối gót”.

Khi phim ngắn trở thành trào lưu đã bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế do không được đầu tư kỹ về kịch bản và diễn xuất. Các diễn viên diễn xuất với tâm trạng rất hời hợt, những tình huống hài “cười không nổi”; nan giải nhất là nhân vật chính lại là người diễn xuất kém nhất, vì bản thân họ là ca sĩ chứ không phải diễn viên chuyên nghiệp. Một điểm tệ khác của các phim ca nhạc này lại là… phần nhạc. Chủ yếu làm phim để quảng bá cho các ca khúc, nhưng phần lớn ca khúc trong những phim đều “trôi tuột” sau khi khán giả xem xong. Chính vì thế, “phim ngắn ca nhạc” trên thực tế chỉ mới là “món lạ” giải quyết khâu PR cho ca sĩ, doanh nghiệp trên thị trường âm nhạc có quá nhiều MV, chưa thể thành “món ngon” vì xào nấu chưa tới.

Phần lớn biên kịch, đạo diễn cũng tay ngang nên hầu hết các phim ngắn ca nhạc đều có “sạn”. Ví dụ clip Tiền nào của nấy của Vĩnh Thuyên Kim thực chất chỉ là một kiểu “hài nhảm”, hài đi đường hài, nhạc đi đường nhạc chẳng liên quan gì nhau. Thế nhưng, các bản phim này đang được vô tư phát trên các trang mạng và được “ưu ái” trên những chuyến xe đò đi tỉnh. Nếu ca sĩ không xin phép phát hành các phim ngắn này theo dạng DVD kèm theo các abum theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, ai sẽ kiểm soát nội dung những “phim” trôi nổi này?
 

 

Theo Phunuonline

.