Các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng nhí xuất hiện ngày càng nhiều. Thời gian tới, chỉ tính riêng trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam, có các chương trình như Đồ Rê Mí, Gương mặt thân quen nhí, The Voice Kids, Vietnam Idol Kids, X – Factor Kids... Ngoài ra còn có các chương trình dành cho trẻ em như Bước nhảy hoàn vũ nhí, Bố ơi, mình đi đâu thế và Vietnam’s Got Talent (dành cho cả người lớn và trẻ em). Chuyện các tài năng nhí thành sao sau cuộc thi trên truyền hình không còn quá xa lạ. Đó cũng là lý do chính khiến nhiều bậc cha mẹ quyết định cho con em mình đi thi, mặc dù tốn kém rất nhiều cả công sức và tiền của. Tuy nhiên, đằng sau những giây phút xuất hiện trên truyền hình, những giải thưởng, danh tiếng là áp lực vô cùng lớn…
Sân chơi cho thí sinh “nhí” mọc như nấm
Sau thành công của một số chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn thì phiên bản nhí của các chương trình này cũng được ra đời. Nếu như chương trình The Voice Kids (giọng hát Việt nhí) đã đi được 3 mùa và phát hiện được nhiều tài năng âm nhạc nhí thì năm nay, lần đầu tiên chương trình Vietnam Idol Kids (dành cho trẻ em từ 5 – 13 tuổi) sẽ lên sóng trên kênh truyền hình quốc gia. Ban tổ chức cho biết, phiên bản này ra đời dựa trên format của Idol “người lớn” với mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh, thân thiện và chuyên nghiệp dành cho các bạn nhỏ yêu thích ca hát trên cả nước. Thực hiện Vietnam Idol Kids được xem là tính toán khá hợp lý của đơn vị tổ chức, khi phiên bản người lớn đã đi đến mùa thứ 6 và có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, các cuộc thi dành cho thí sinh nhí vẫn khá ăn khách.
Hiện cả hai chương trình đang ở giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho các vòng tuyển sinh. Năm nay, ngồi ở vị trí ghế nóng The Voice Kids sẽ là cặp đôi Đông Nhi – Ông Cao Thắng (thay vị trí của cặp đôi 3 mùa ngồi ghế nóng Lưu Hương Giang – Hồ Hoài Anh), Noo Phước Thịnh và Sơn Tùng M-TP đang được mong chờ là cái tên cuối cùng góp mặt trong bộ tứ huấn luyện viên. Còn ở sân chơi mới Vietnam Idol Kids, dàn giám khảo là những ca sĩ trẻ như Tóc Tiên, Isaac (nhóm nhạc 365) và Văn Mai Hương. Bên cạnh đó, chương trình truyền hình thực tế X- Factor phiên bản nhí cũng đang rục rịch lên sóng.
|
Thiện Nhân đăng quang The Voice Kids mùa 2 nhận được sự hỗ trợ tích cực từ huấn huyện viên Cẩm Ly cả trong và sau cuộc thi. Ảnh tư liệu |
Thành sao sau một đêm – cạm bẫy hai mặt?
Đó vẫn là câu hỏi được nhiều khán giả đặt ra khi các chương trình tìm kiếm tài năng nhí được tổ chức ngày càng nhiều. Khi nhiều chương trình xuất hiện đồng nghĩa với việc sẽ có thêm sân chơi nghệ thuật dành cho trẻ em, các em sẽ có nhiều cơ hội thử thách với sân chơi phù hợp với tài năng và nhu cầu của bản thân, song chất lượng thí sinh có được đảm bảo? Nếu như trước kia chỉ có The Voice Kids thì lượng thí sinh “chất” đổ dồn về cuộc thi, nhưng nay, việc Vietnam Idol Kids được tổ chức sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh về thí sinh, chuyện khan hiếm thí sinh, đặc biệt thí sinh tài năng xảy ra là đương nhiên. Đó là chưa kể đến chuyện một số thí sinh quen thuộc ở sân chơi này xuất hiện ở sân chơi khác sẽ khiến cuộc thi kém sự mới mẻ. Và tất nhiên, cuộc đối đầu của các chương trình sẽ dẫn đến việc nhà sản xuất phải dùng nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý của khán giả.
Chuyện các chương trình truyền hình phiên bản nhí xuất hiện cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Chuyện các em trở thành sao chỉ sau một đêm được ví như con dao hai lưỡi, vừa có mặt tích cực, vừa tồn tại mặt tiêu cực. Mặt tích cực của các cuộc thi là phát hiện thêm cho nghệ thuật nước nhà những tài năng mới, giúp các tài năng nhí có thể đổi đời nhờ vào việc nổi tiếng, có nhiều show diễn, kiếm được nhiều tiền, có nhiều fan hâm mộ... Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy là những áp lực vô cùng lớn, những giọt nước mắt, là sự đau đớn, chịu đựng về sức khỏe, thậm chí là những thị phi không kém gì những nghệ sĩ “người lớn”. Cuộc thi chỉ được xem là bước đệm để các em được nhiều người biết, mang đến sự nổi tiếng ban đầu chứ chưa phải là vật bảo chứng cho thành công của các em về sau. Dù tài năng bẩm sinh có được ưu ái đến đâu thì sự cần cù, sáng tạo và đam mê vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định đến việc các em có trở thành một ngôi sao thật sự trong tương lai hay không. Nói về vấn đề này, ca sĩ Mỹ Linh nhận định rằng, 10 ngàn giờ luyện tập mới có thể tạo nên một tài năng, chứ không có ai trở thành thiên tài chỉ sau một đêm được, tức là thành bại trong một chương trình truyền hình thực tế không thể quyết định thành bại cho toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật lâu dài được.
Trong khi tại Việt Nam, các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em có dấu hiệu mọc như nấm sau mưa thì tại một số nước, các chương trình này đang có khả năng bị ngưng phát sóng. Mạnh tay nhất có lẽ là Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong mấy tháng gần đây, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc phối hợp với Hiệp hội sản xuất phim truyền hình đánh giá trong thời gian qua, làng giải trí nước này đã xuất hiện nhiều trào lưu làm phim, show truyền hình mới. Điều này kích thích sự phát triển ở một mặt nào đó, nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy. Liên tục trong vài tháng, cơ quan chức năng tại nước này đã đưa ra nhiều văn bản, quy định chính thức hoặc ngầm nhắc nhở một số nhà đài về các chương trình truyền hình được phát sóng với mục đích chấn chỉnh các hoạt động văn hóa của quốc gia này. Cụ thể, Tổng cục vừa đưa ra văn bản kiểm soát các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ em. Trong văn bản ghi rõ “cần tăng cường hơn nữa quản lý các chương trình không có giá trị tích cực”. Cơ quan này cho rằng, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Hiện tại, các chương trình thực tế của các đài truyền hình đều bị dừng lại. Một trong số đó có chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” (bản quyền của đài MBC Hàn Quốc). Lý do chương trình ăn khách này bị cấm tại Trung Quốc là do bị cho rằng lợi dụng trẻ em trở thành máy kiếm tiền, các em nhỏ bị bóc lột sức lao động, một số em bị thương khi quay chương trình và các em dễ hình thành tính dựa hơi bố mẹ nổi tiếng mà sớm mắc bệnh ngôi sao, tự bỏ rơi việc học và phấn đấu nghiêm túc. Bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, một quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển của khu vực châu Á cũng đưa ra những lời cảnh báo về việc lạm dụng trẻ em trên truyền hình.
Trở lại Việt Nam, việc các thí sinh nhí tham gia các sân chơi truyền hình dài hơi còn khiến cho chính các em và bố mẹ bị áp lực cả về tài chính, tinh thần và sức khỏe. Những áp lực ấy xuất phát từ cuộc thi, từ dư luận, từ chính mục đích của các thí sinh và gia đình khi đến với cuộc thi. Một phụ huynh của một tài năng nhí tham gia chương trình Vietnam’s Got Talent chia sẻ: “Đến với cuộc thi không chỉ các con bị áp lực mà bố mẹ cũng bị áp lực không kém. Có những cuộc thi, nếu không đảm bảo được tài chính thì tôi cũng khó có thể cho các con theo đuổi tiếp. Đấy là chưa kể trong khi luyện tập, các con gặp rất nhiều tai nạn. Bé nhà tôi trong quá trình tập, bị va đập mạnh xuống sàn là chuyện thường xuyên, có lần cháu bị điếc tạm thời nên mình định cho con dừng lại. Nhưng vì hợp đồng đã ký với nhà sản xuất, cộng thêm các con muốn “chiến đấu đến cùng” nên tôi lại gác hết công việc đưa các con đi thi”.
Vậy nên, để có những chương trình truyền hình cho trẻ em thành công cả về số lượng và chất lượng, các nhà đài và các đơn vị sản xuất phải có sự kiểm soát, đầu tư nghiêm túc về mặt nội dung, đề cao tính nhân văn, quan trọng là tạo ra hướng phấn đấu cho các em không chỉ trong cuộc thi mà nên có sự hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng con đường đi của các em trong tương lai. Bên cạnh đó, việc lợi dụng chiêu trò với mục đích thương mại cũng cần hạn chế vì nó sẽ tạo nên sự phản cảm, biến mục đích tích cực của các chương trình bị nhìn nhận sai lệch đi.
Theo PL&XH