“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương vừa thông báo chia tay đội tuyển sau khoảng 10 năm gắn bó. Quyết định này được đưa ra, khi Vũ Thị Hương cảm thấy không sung sức như thời đỉnh cao, đồng thời có dấu hiệu quá tải sau hàng loạt giải đấu trong năm ngoái.

Một sự nghiệp huy hoàng

Bên cạnh những cái tên như Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Đình Cương, Vũ Thị Hương thuộc nhóm thế hệ vàng của điền kinh Việt Nam. Cùng với những đàn chị như Vũ Bích Hường, Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, hay Phan Thị Thu Lan trước đó, thế hệ vừa nêu đã giúp điền kinh Việt Nam khẳng định vị trí vững chắc ở các kỳ SEA Games, trở thành cường quốc của môn thể thao “nữ hoàng” trên bình diện Đông Nam Á.

Trong số này, Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng thậm chí đã tiệm cận trình độ châu Á. Riêng Vũ Thị Hương từng giành 3 HCB tại 2 giải điền kinh châu Á liên tiếp vào các năm 2007 và 2009, giành 1 HCB (200m nữ) và 1 HCĐ (100m nữ) tại Asiad 2010.

Ngoài ra, “nữ hoàng tốc độ” còn từng giành HCV nội 60m nữ, tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á 2009, khi giải được tổ chức tại Việt Nam.

Riêng ở khu vực Đông Nam Á, cho đến trước khi nói lời chia tay đội tuyển, Vũ Thị Hương hầu như không có đối thủ tại các kỳ SEA Games (cô bắt đầu tham gia từ năm 2005), ở 2 nội dung sở trường là 100m và 200m nữ. Cái biệt danh “nữ hoàng tốc độ” của Vũ Thị Hương cũng xuất hiện từ đó.

 

1
"Nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương nói lời chia tay đội tuyển quốc gia


Trong những năm gần đây, Vũ Thị Hương liên tiếp bị hành hạ bởi chấn thương. Đặc biệt, giai đoạn từ 2011 – 2013 là giai đoạn mà “nữ hoàng tốc độ” khổ sở nhất vì chấn thương. Dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, Vũ Thị Hương vẫn kịp hồi phục sau một ca phẫu thuật để giành 2 HCV SEA Games 27 cuối năm 2013, tại Myanmar.

Mãi cho đến khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc 2014 (giành 2 HCV) Vũ Thị Hương mới đi đến quyết định nói lời chia tay đội tuyển, khi chính cô cho biết cô đã không còn sung sức và cảm thấy không thật khỏe để chuẩn bị cho SEA Games 28 vào tháng 6 tới đây.

Thời điểm thích hợp để chia tay?

Nếu không có những chấn thương dai dẳng, ở tuổi 29, Vũ Thị Hương vẫn còn có thể thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa. Dù vậy, như đã nói ở trên, những chấn thương liên tiếp trong những năm gần đây khiến cho “nữ hoàng tốc độ” càng vất vả hơn cho việc duy trì thể lực và phong độ.

Cũng vì chấn thương dai dẳng, mà người đồng đội cùng trang lứa với Vũ Thị Hương là Trương Thanh Hằng cũng đã nói lời chia tay đội tuyển, thậm chí chia tay sự nghiệp VĐV để bước lên làm thầy.

Vũ Thị Hương cũng đang tính đến chuyện trở thành HLV, hoặc một nhà quản lý thể thao trong tương lai. Cô cho biết cô sẽ tiếp tục theo đuổi việc học tại Đại học TDTT Bắc Ninh.

Thời điểm Trương Thanh Hằng trước đó, hay Vũ Thị Hương bây giờ nói lời chia tay đội tuyển quốc gia cũng là thời điểm mà điền kinh Việt Nam đang chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của một thế hệ VĐV mới, trẻ trung hơn.

Cột mốc chuyển giao thế hệ đã diễn ra ở Asiad 17, tại Incheon (Hàn Quốc) hồi tháng 9 năm ngoái. Khi đó, Vũ Thị Hương không giành được huy chương, còn 2 người đồng đội trẻ tuổi hơn cô là Quách Thị Lan (400m nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) đều có HCB.

Cũng đã đến lúc điền kinh Việt Nam tập trung đầu tư cho những gương mặt mới, sau khi thế hệ cũ qua thời đỉnh cao. Với riêng Vũ Thị Hương, thực tế là ở các giải đấu quốc tế gần đây, thông số kỹ thuật của cô không còn như trước, lúc ở đỉnh cao phong độ.

Việc chia tay Vũ Thị Hương là điều đáng tiếc, nhưng âu đấy cũng là quy luật tất yếu trong mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì trong thể thao.

Và khi Vũ Thị Hương nói lời chia tay đội tuyển quốc gia cũng là lúc mà người hâm mộ môn thể thao “nữ hoàng” Việt Nam nói lời chia tay với thế hệ vàng của Vũ Văn Huyện, Nguyễn Đình Cương, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, phải làm quen với thế hệ mới của những Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo,… ở các giải đấu quốc tế từ nay về sau.
 

Theo Dân trí

.