Ngày thể thao Việt Nam (TTVN) 27/3 cũng là ngày mà những người làm thể thao ôn lại những mặt được và chưa được trong 1 năm hoạt động thể thao, và quan trọng nhất là nghĩ về mục tiêu vươn đến tầm cao mới.
 
 
Dù vậy, nếu để ý kỹ, hầu hết các môn có trong chương trình thi đấu SEA Games 28, vốn là thế mạnh của Singapore như Cưỡi ngựa nghệ thuật, 3 môn phối hợp (bơi, đua xe đạp, chạy bộ), đấu kiếm, hockey trên cỏ, bóng mềm, bóng nước… đều là các môn có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic.
 
Những môn này vốn lạ với TTVN vì chúng ta ít tập trung đầu tư, chứ không phải nó lạ với phong trào Olympic thế giới. Thế nên, đấy cũng là một cách tiếp cận khác với đấu trường SEA Games, theo hướng gần giống với đấu trường Olympic (từ thời điểm tổ chức cho đến các môn thi), và TTVN không phải không có cái hay khi tiếp cận với kỳ SEA Games 28 trái thông lệ này.
 
Từ đầu tư dàn trải sang đầu tư trọng điểm?
 
Ngày TTVN mỗi năm cũng là dịp để những người làm thể thao nước nhà đánh giá lại tính hiệu quả trong công tác đầu tư suốt 1 năm qua. Và nếu để ý kỹ, có thể thấy trong thời gian gần đây, xu hướng đầu tư của TTVN đã bắt đầu có sự chuyển dịch đáng kể: Đó là chuyển từ đầu tư dàn trải tốn kém, sang đầu tư trọng điểm.
 
Sở dĩ phải nói đến câu chuyện đầu tư trọng điểm vì thay cho sự dàn trải mà mỗi kỳ SEA Games chúng ta lại thay đổi nhiều nhóm môn thi, trong đó có nhiều môn chỉ chơi một lần rồi bỏ, người ta quay sang đầu tư trọng điểm nhóm môn có trong chương trình thi đấu Asiad và Olympic, để vừa không lạc lỏng với xu thế chung của toàn cầu, vừa có giá trị sử dụng lâu dài.
 
Nhóm môn và nhóm VĐV trọng điểm đang được đầu tư mạnh phải kể đến Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), tổ cự ly ngắn và trung bình trong môn điền kinh… Những cái tên kể trên đều đã tiếp cận với trình độ châu Á. Rồi còn phải kể thêm Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh). 
 
Dĩ nhiên, việc chuyển đổi hướng đầu tư từ dàn trải sang trọng điểm không thể thực hiện trọn vẹn trong một sớm một chiều. Rồi ngay cả các môn và các VĐV đang được đầu tư trọng điểm cũng có lúc bị tính sai về điểm rơi, do một số nhà quản lý quá ham thành tích mà sắp VĐV của mình thi đấu quá nhiều giải, kể cả các giải vốn dành cho học sinh – sinh viên.
 
Rồi cũng có những sự lãng phí nhất định trong công tác đầu tư, vì chưa đúng phương pháp mà nhiều tài năng vốn đầy triển vọng nay đang có dẫu hiệu giẫm chân tại chỗ, như trường hợp của Hoàng Quý Phước (bơi). 
 
Bên cạnh đó, vẫn có những lãng phí trong việc sử dụng các cơ sở vật chất phục vụ thể thao, nhiều công trình quy mô lớn được hình thành nhưng không được sử dụng hết công suất, hoặc chưa đúng với công năng.
 
Tuy nhiên, cần ghi nhận hết sức khách quan về những nỗ lực mà những người làm thể thao đã và đang thực hiện trong thời gian vừa rồi, trong bối cảnh mà TTVN đã có một số bước chuyển mình, cùng một thế hệ VĐV được đào tạo bài bản ở các môn cơ bản, được định hướng tấn công thẳng vào đấu trường Olympic 2016 như Thạch Kim Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Viên.
 
Theo Dân trí
 
.