Múa lửa là một loại hình nghệ thuật đặc thù, bởi không phải ai cũng múa được. Phải qua một quá trình khổ luyện kiên trì và thắng nỗi sợ hãi của bản thân thì mới có thể thành công. Mỹ Kim là một trong những người hiếm hoi đã thành danh trong nghệ thuật múa lửa…
Từng bước khẳng định khả năng “phi thường” của mình, sau 3 năm vất vả theo nghề, Mỹ Kim đã dần tạo được tên tuổi, được mời diễn đều đặn hơn, thu nhập cũng tăng cao - đó là sự khích lệ, bù đắp cho những gian nan từ ngày theo thầy học nghề.
Mỹ Kim bảo: “Đừng tưởng đã thành danh rồi hoặc các động tác múa đã hết sức nhuần nhuyễn rồi mà không bị tai nạn, chỉ là ít bị hơn mà thôi! 10 lần diễn mà chỉ 3 lần bị tai nạn là may lắm rồi. Những đàn chị dù đã lão luyện trong nghề nhưng đã bỏ nghề, ít tập luyện, khi trở lại sân khấu vẫn bị bỏng như thường.
Ngày xưa, lúc tập luyện hầu như ngày nào em cũng bị bỏng bởi phải tập quay dây lửa, bụm ngọn lửa trong lòng bàn tay cho tắt ngúm rồi cho ngọn lửa cháy bùng trở lại, ngậm và giữ ngọn lửa trong miệng khoảng 10 giây để mồi thắp sáng một que lửa khác, liếm lửa (đưa ngọn lửa rà ngang qua lưỡi), vuốt lửa (dùng bàn tay vuốt và nắm ngọn lửa khiến lửa tắt hoặc bùng cháy trở lại), lắc vòng lửa…” (hiện Mỹ Kim lắc được 4 vòng: Ở đầu gối, eo bụng và 2 tay - người viết)...
Trong các động tác kể trên thì nuốt lửa là khó và nguy hiểm nhất, bởi phải luyện “độ lỳ” khi phải giữ ngọn lửa đang cháy trong miệng (đã rút que lửa ra). Chịu đựng được 10 giây là đã “cao thủ”, thế nhưng có lần một ông khách nhảy lên… mồi thuốc rồi cố tình “câu giờ” đến những 30 giây. Lần đó Mỹ Kim bị bỏng rát cổ họng và phải ăn cháo, uống sữa suốt hơn 1 tuần. Ngoài bị bỏng, chuyện cháy xém tóc, lông mày là…
“Anh xem, 8 năm rồi, mà tóc em cũng chỉ chừng này ! Thấy em biểu diễn nhiều người không tin, nghĩ rằng em thoa kem chống bỏng hoặc là… lửa giả. Có người thì tưởng em bị chai, không biết cảm giác nóng. Ai gần lửa mà không bị nóng, chủ yếu là luyện sức chịu đựng, khả năng “mình đồng, da sắt” của mình tới đâu thôi!”, Mỹ Kim chia sẻ.
Hiện nay số nghệ sĩ múa lửa ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn chừng 5-7 người, đặc biệt chỉ có ở phía Nam (tập trung phần nhiều ở TP.HCM), trong số đó cùng tuổi với Mỹ Kim có 1 người, nhỏ tuổi hơn có 1 người, còn lại là những đàn chị đã lớn tuổi. Bởi múa lửa là một nghề vừa nguy hiểm vừa khắc nghiệt lại vừa dễ bị dị nghị điều tiếng, cho nên học chung một thầy với cô cũng có vài người nhưng họ đều bỏ dở. Diễn viên múa lửa chỉ tới độ tuổi 30 là đã ở phía bên kia dốc nghề nghiệp, hằng ngày thường xuyên tiếp xúc với lửa, với môi trường độc hại (xăng, dầu lửa, khói...) cho nên dễ mắc các bệnh về da, răng và vòm họng, phổi…
Điều làm cô bức xúc và trăn trở nhất chính là xã hội vẫn còn nhìn nghệ thuật múa lửa bằng con mắt định kiến, nghệ sĩ múa lửa gần như bị đồng hóa với… vũ nữ sexy! Đó là vì trang phục của múa lửa trên sân khấu phải là… 2 mảnh (hở đùi, bụng và cánh tay) - không phải là những bộ bikini lộ liễu, nhiều khi bộ trang phục của nghệ sĩ múa lửa còn được thêm thắt nhiều họa tiết, tua rua để che bớt phần nhạy cảm bởi vì nếu không mặc như thế thì sẽ không biểu diễn được những động tác rê ngọn lửa từ dưới mắt cá chân lên đùi, từ cườm tay lên vai hoặc lắc vòng lửa ở khuỷu chân (đầu gối) và ở eo (bụng).
Cô nói: “Theo đuổi nghề múa lửa thì chúng tôi là những người chịu chấp nhận rất nhiều rủi ro, nguy hiểm - có thể nói là hy sinh cho nghệ thuật, thế nhưng nghề này chưa thật sự được nhìn nhận và được sự quan tâm đúng mức. Phía truyền thông cũng mới chỉ có một, hai tờ báo đăng bài còn bên truyền hình thì… chưa một lần. Cũng mặc trang phục giống y nhau, nhưng “múa bụng” lại được chấp nhận, còn múa lửa thì không bởi còn những định kiến. Bất công quá!”
Nhà ở Bình Dương nên mỗi khi có show ở TP.HCM cô phải nhờ anh trai chở đi bằng xe máy. Mỹ Kim hiện đang rất đắt sô, bởi cô được ông trời ban cho một ngoại hình đẹp: Khuôn mặt khả ái (luôn nở nụ cười trên môi khi biểu diễn kể cả đang bị…bỏng), thân hình thon thả gợi cảm, và là một… chân dài (cô cao 1,69 m).
Theo NTD