“Có bàn tay Mafia Nga đã tác động vào đội bóng. Họ bị loại vì nhiều thứ bên lề chứ không phải riêng thực lực của thầy trò Adcovaat”.
Một anh bạn định cư ở Nga đã tiết lộ thông tin cho chúng tôi khi trao đổi vể “bi kịch không tưởng” của đội tuyển Nga trong trận thua Hy Lạp ở lượt đấu cuối vòng bảng Euro 2012, khiến đội Nga “ngậm ngùi” xách vali về nước sớm, dù cho trước trận đấu này mọi lợi thế Nga đều vượt trội trước Hy Lạp từ lịch sử đối đầu, điểm số hiện tại, thực lực hai đội… và cả đội ngũ cổ động viên máu lửa và hùng hậu.
|
Việc đội tuyển Nga xách va li về nước sớm khiến người hâm mộ đặt ra nhiều dấu hỏi. |
Bóng đá thế giới đã từng có nhiều nghi án bán độ, thậm chí cả World Cup cũng không tránh khỏi. Và nhiều đường dây bán độ quốc tế ở các giải vô địch quốc gia lớn, có uy tín của châu Âu cũng đã bóc gỡ và phanh phui. Điểm chung ở chúng là đều có bàn tay của mafia Đông Âu, trong đó chủ yếu là mafia Nga thao túng và điều hành. Nhưng nghi án bán độ ở Euro, cụ thể là ở trận Nga – Hy Lạp, thì đây là lần đầu tiên. Và nếu như thông tin trên là đúng thì quả thật vẻ đẹp bóng đá thiêng liêng hôm nay đã bị mafia làm vấy bẩn đến mức không thể chấp nhận nổi. Phân tích lại kèo độ trong trước, trong và những diễn biến khi trận đấu này diễn ra có thể thấy nghi án trận Nga – Hy Lạp bị làm độ không phải là không có cơ sở.
Có dấu hiệu “kèo lừa”
Trước trận Nga – Hy Lạp một ngày, nhà cái ra kèo Nga chấp 1 hòa, nhưng trước khi trận đấu diễn ra khoảng vài tiếng, kèo chấp xuống chỉ còn 3/4 (Nga thắng 1 quả là ăn tiền). Tài xỉu của trận đấu này là 2 đứt (tổng số bàn thắng trên 3 quả là ăn tài, dưới 3 là ăn xỉu).
Nhìn vào diễn biến của 2 trận đấu đầu tiên của hai đội này ở Bảng A Euro 2012, người viết đồ rằng, 100% dân độ sẽ tin vào một chiến thắng từng bừng cho đội tuyển Nga. Và trận đấu chắc chắn sẽ có nhiều bàn thắng. Đơn giản, Nga là đội có lối đá tấn công quyến rũ, phản công thì cực kỳ sắc bén, trong khi Hy Lạp buộc phải dâng cao để ghi bàn, hàng thủ thì già nua, xoay xở chậm chập. Gặp lối đá tấn công như cơn lốc của Nga, Hy Lạp gần như khó có cửa làm nên chuyện.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, Nga đang thi đấu cực kỳ thăng hoa, với chuỗi 16 trận bất bại liên tiếp. Hơn nữa, họ cũng đang sở hữu thành tích đối đầu rất tốt khi gặp Hy Lạp (thắng 13 trận, hoà 5 và thua 2).
Trong những lượt đấu cuối cùng vòng bảng Euro, xu hướng bàn thắng sẽ ngày càng gia tăng. Đó là vì hai đội thường rơi vào hoàn cảnh: một bên yếu hơn buộc phải thắng mới hi vọng đi tiếp gặp đối thủ mạnh đang nắm ưu thế về mặt tâm lý.
Kể từ Euro 1980 đến nay, 28/48 trận đấu ở lượt cuối vòng bảng Euro đều có trên 2,5 bàn thắng. Bởi thế, với kèo Tài 2 đứt (2 1/2), người chơi có thể tự tin vào 90 phút cởi mở và đậm chất cống hiến. Khi cục diện trở nên phóng khoáng, bàn thắng sẽ đến như một lẽ tất yếu. Và một chiến thắng dành cho Nga là điều đương nhiên, kèo Nga chấp Hy Lạp 3/4 không khác gì một miếng mồi ngon cho dân độ lao vào Nga.
Theo L. “bác sĩ”, một tổng lớn của dân độ Hà Thành thì những kèo trận Nga chấp 3/4 không khác gì một “kèo lừa” của nhà cái dành cho các con bạc lao vào cửa trên với cái tâm lý ít nhất Nga cũng phải thắng được 1 quả.”
Và những diễn biến khi trận đấu Nga – Hy Lạp diễn ra lại chính là một bằng chứng nữa có cơ sở cho rằng, trận đấu này làm độ.
Nếu chúng ta để ý kỹ sẽ thấy tình huống dẫn tới quả ném biên cho Hy Lạp thì một cầu thủ Nga đã ko cố gắng, nỗ lực. Sau khi cứu được bóng rồi ko đỡ tiếp để bóng trôi ra biên. Từ tình huống ném biên này, Hy Lạp đã ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Và ở bàn thua này, cánh phải của đội tuyển Nga như mở toang mời gọi tiền đạo đội Hy Lạp áp sát cầu môn, sút tung nóc lười đội mình. Với thái độ thi đấu như vậy thì những nghi ngờ của người hâm mộ về việc trận đấu có mùi là hoàn toàn có cơ sở.
Thêm nữa, nhìn tổng quan suốt cả trận đấu, lối đá tấn công của đội Nga thực sự có vấn đề và khác hoàn toàn hai trận đấu trước. Liên tục chuyền sai địa chỉ, chuyền bóng rối rắm, một phong cách tấn công biên quen thuộc được thay thế bằng lối đá trung lộ tối như mực. Thật không hiểu cái đầu của các tuyển thủ Nga có vấn đề hay không? Khi mà lối đá trung lộ không phát huy hiệu quả trước bức tường người của Hy Lạp, nhẽ ra họ phải chuyển qua đá biên (sở trường của họ) nhằm kéo giãn hàng phòng ngự đội Hy Lạp. Nhưng không, dường như cái đầu đã điều khiển họ không còn chính là họ.
Truyền thông Nga cũng nghi ngờ?
Tờ Sport Express - nhật báo thể thao hàng đầu nước Nga đưa tin rằng họ không tưởng tượng được vì sao đội nhà bị loại một cách bẽ bàng đến như vậy.
Báo này nhận định rằng, thất bại trước Hy Lạp giống như bầu trời ở Warsaw đã đổ sụp dưới chân người Nga vậy. Nước mắt đã rơi nhiều, nhưng CĐV Nga vẫn ấm ức với câu hỏi: “Tại sao?”, “Chuyện gì đã xảy ra với đội Nga?”... Theo Sport Express, trước trận đấu nếu có hỏi bất cứ người hâm mộ Nga nào bi quan nhất thì họ cũng chẳng nghĩ ra được một kết cục thảm họa đến như vậy.
Bởi vậy, quá choáng váng sau trận thua Hy Lạp, biên tập viên Igor Rabiner của Sport Express có mặt trực tiếp tại sân Quốc gia Warsaw đã chất vấn dữ dội HLV Dick Advocaat với dồn dập các câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với đội Nga?”, “Tại sao hiệp 2 đội Nga đá tệ như vậy?”, “Tại sao vẫn sử dụng Kerzhakov?”... rồi: “Ông có nghĩ là CĐV Nga còn nhớ về ông không sau thất bại cay đắng này?” như một lời trách móc. HLV Advocaat chỉ bào chữa chiếu lệ là đội Nga đã làm hết sức, và làm tất cả những gì có thể nhưng đã có một ngày không may mắn.
Các báo khác ở Nga, như kênh RIA Novosti bình luận: “Đội Nga có đến 25 cơ hội mà chẳng ghi được một bàn nào, trong khi đối phương chỉ có 5 cơ hội cả trận nhưng đã ghi 1 bàn. Vậy thì trách ai? Tự trách chúng ta thôi.”.
Và đỉnh điểm cho thất bại cay đắng của tuyển Nga là sực vô trách nhiệm của đội trưởng Arshavin khi anh này cho rằng, thất bại của tuyển Nga là do cổ động viên chứ không phải do các tuyển thủ.
Theo Báo Sovetsky Sport đưa tin, khi đội tuyển Nga đang ở trong khách sạn 5 sao Le Meridien Bristol Warsaw ở thủ đô Ba Lan sau trận đấu với Hy Lạp. Một số nghị sĩ Nga cũng có mặt trong khách sạn. Gặp gỡ các tuyển thủ Nga, nhóm nghị sĩ này cáo buộc các cầu thủ đã thiếu ý chí, đầu hàng trước số phận và làm tan vỡ trái tim của hàng triệu CĐV.
Trong đoạn video quay bằng điện thoại di động được đưa lên trang web LifeNews.ru, một số nghị sĩ vây quanh Arshavin chỉ trích màn trình diễn của Nga trước Hi Lạp và đòi các cầu thủ Nga phải nói lời xin lỗi CĐV nước nhà. Ngồi ườn mình trên chiếc ghế ở sảnh khách sạn, Arshavin thờ ơ hỏi: “Chúng tôi phải xin lỗi vì lý do gì? Gì?”. Nghị sĩ Anton Belyakov trả lời rằng đội tuyển Nga đã không đáp ứng được kỳ vọng của CĐV.
“Kỳ vọng nào cơ? Của các ông hay của chúng tôi? Nếu chúng tôi không đáp ứng được kỳ vọng của các ông thì thực tế đó là vấn đề của các ông”- Arshavin vừa nói vừa ngả người lên ghế. Sau đó, nghị sĩ Belyakov còn cáo buộc các cầu thủ Nga đã chửi những CĐV tiếp cận họ trong phòng thay đồ sau trận đấu với Hi Lạp. Một đoạn video trên mạng cho thấy cảnh các cầu thủ và CĐV Nga đã đối đầu gay gắt.
Trên trang web Championat.com, chủ tịch danh dự của Liên đoàn Bóng đá Nga Vyacheslav tuyên bố: “Tôi cho rằng một cầu thủ như vậy không xứng đáng khoác áo đội tuyển quốc gia”. Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko nhấn mạnh: “Các cầu thủ khi ra sân cần nhớ rằng họ đại diện cho đất nước. Khó có thể tưởng tượng anh ta còn nói điều gì khác làm tổn thương hình ảnh đội tuyển quốc gia nghiêm trọng hơn.
Không phải là chưa có tiền lệ
Chuyện mua bán tỷ số ở giải VĐQG Nga đã trở thành cơm bữa. Đã có cả trường hợp mà những đoạn băng ghi âm “hai 5 rõ 10” về việc các CLB móc ngoặc với nhau được tung ra trước công luận, như khi một tờ báo nghe trộm điện thoại của chủ tịch CLB Baltika Kaliningrad năm 2004, nhưng không có “calciopoli” nào được tạo ra, một vụ điều tra cũng chẳng có. Đó là một thực tế được thừa nhận nghiễm nhiên đến mức chủ tịch Giner của CSKA Moscow còn phải công khai trả tiền cho các đội bóng yếu để họ không bán điểm cho những đối thủ của CSKA.
Mảnh đất tầm thường ấy không xứng tầm mafia Nga. Từ Nga, chúng vươn vòi bạch tuộc ra khắp thế giới, nhúng tay vào kết quả của những trận đấu tầm cỡ bậc nhất. Thậm chí có thể là cả VCK World Cup.
Khi cảnh sát Tây Ban Nha bắt được trùm mafia Nga Gennady Petrov tại đảo Mallorca hồi tháng 6 năm 2008, họ thu được băng ghi âm của một cuộc đối thoại trong đó khẳng định rằng trận bán kết UEFA Cup giữa Bayern Munich và Zenit St.Peterburg đã được mua đứt với giá 50 triệu (không có đơn vị tiền).
Vụ này sau đó chìm xuồng do cảnh sát không tìm được thêm bằng chứng nào, nhưng là một chi tiết rất quan trọng khẳng định mafia Nga đã cố mua bán (và có thể đã thành công) những trận đấu quan trọng nhất châu Âu. Trận bán kết lượt về khi đó đã kết thúc với tỷ số không tưởng: Zenit thắng Bayern 4-0.
Nếu đơn vị ở đây là USD hay euro thì không còn gì phải bàn nữa: kể cả khi chia con số đó ra làm 10 lần, cũng là cả một gia sản với mỗi cầu thủ. 50 triệu rúp chỉ tương đương với 1,1 triệu euro. Theo lý thuyết của nhà báo Declan Hill, người đã nhiều năm xâm nhập vào thế giới những tay mua bán tỷ số, cần mua được ít nhất 5 cầu thủ cho một trận thua. 200.000 euro/người chưa phải là một con số thuyết phục. Nhưng nếu 200.000 euro được gửi kèm một viên đạn 39mm thì có lẽ ít cầu thủ nào dám lắc đầu. Mà đó lại luôn là phương pháp làm việc của mafia Nga.
Câu nói đã trở thành triết lý thống trị thế giới của nhà tài phiệt John D.Rockefeller: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” đã được giới mafia Nga ví von lại thành: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng tiền cộng sự đe dọa”.
Thế nên, những nghi ngờ mà dư luận đặt ra, trận Nga – Hy Lạp có bàn tay thao túng của mafia Nga không phải là không có cơ sở. Và quả thật nếu đúng như vậy thì đó cũng là chuyện thường ở… nước Nga.
Hồng Vinh