Vô địch cả đơn và đôi giải Nhóm 1, Lý Hoàng Nam vừa làm nên một trong những thành tích mà nhiều tài năng trẻ tennis thế giới mơ ước.
 
 
Leo 15 bậc để đứng thứ 34 thế giới trên bảng xếp hạng trẻ của ITF cũng là điều chưa từng có ai ở Việt Nam đạt được. Hoàng Thiên trước đây chỉ đứng đầu trong nhóm các tay vợt dưới 14 tuổi của châu Á.
 
514,375 điểm của Hoàng Nam tích luỹ được theo cách tính của ITF, chỉ chọn sáu giải đấu có thành tích tốt nhất cả của đơn và đôi rồi cộng gộp lại.
 
Khoảng cách về điểm số của Hoàng Nam với tay vợt có thứ hạng thấp nhất trong Top 20 chỉ là khoảng 100 điểm, tương đương với số điểm vô địch nội dung đôi của một giải Nhóm 1. Thế nên, khả năng Hoàng Nam còn leo cao hơn nữa trên bảng xếp hạng ITF là có.
 
Nhưng, một tay vợt có thứ hạng ở ITF chưa chắc đã có thứ hạng đáng kể ở ATP khi lên chuyên nghiệp. Không phải lần đầu chúng ta nói về điều này, nhưng vẫn là thích hợp để nhắc lại.
 
ATP là một cuộc chơi hoàn toàn khác, với những đối thủ đa dạng, ở một trình độ cao hơn, độ tuổi phong phú hơn, và vì thế khốc liệt hơn.
 
Có những tay vợt trẻ không cần phải trở thành số 1 ITF nhưng sau này họ là số 1 thế giới, mà đôi khi lý do là quan điểm huấn luyện, hoặc đôi khi là do tài năng họ chín quá sớm, đủ để bỏ qua giai đoạn chinh chiến các giải trẻ (đó là lý do có các nhà vô địch Grand Slam khi mới 17-19 tuổi).
 
Sẽ thích hợp hơn khi nói về một “dự án” đầu tiên là lọt vào Top 1000 tay vợt hàng đầu thế giới, rồi sau đó là Top 500 của ATP. Một vị trí khoảng 490-500 hiện tại cần khoảng 70 điểm – một số điểm cần tích luỹ khá bền bỉ qua vài điểm một nếu như không có sự xuất sắc đột biến.
 
Nhưng trước đấy là hệ thống ITF Futures với số tiền thưởng cả giải từ 10-15 ngàn USD, một bước đệm để chơi ở những giải ATP Challenger với tiền thưởng cả giải từ 40-220 ngàn USD rồi sau đấy mới là ATP Tour.
 
Tức là với Hoàng Nam, hiện tại là khá sáng sủa, nhưng tương lai ở ATP Tour vẫn còn là một chặng đường dài. Top 500 ATP thực sự ở rất cao.
 
Theo Khám phá
 
.