Khán giả: Vì sao VTV cắt bỏ lễ chào cờ trước trận Việt Nam - Malaysia?
Cập nhật lúc 15:09, Thứ năm, 04/06/2015 (GMT+7)
Trước trận đấu bóng đá nam giữa Việt Nam và Malaysia, việc VTV không phát nghi lễ chào cờ đã khiến nhiều khán giả tỏ ra bức xúc. (VTV, lễ chào cờ, Khán giả)
Trước trận đấu bóng đá nam giữa Việt Nam và Malaysia, việc VTV không phát nghi lễ chào cờ đã khiến nhiều khán giả tỏ ra bức xúc.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, TBT Tạp chí Pháp luật và Phát triển chia sẻ: "Cử Quốc ca là một nghi thức của quốc gia, của rất nhiều sự kiện dù mang tính nhà nước hay mang tính xã hội. Cử quốc ca trong các sự kiện quan trọng thể hiện lòng tự tôn dân tộc, niềm kiêu hãnh của dân tộc và sự tôn trọng khách nếu là các sự kiện quốc tế.
Việc chào cờ và hát Quốc ca giúp bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho mỗi người dân, đặc biệt là với những người đang làm nhiệm vụ cho Tổ quốc. Ở mỗi quốc gia đều có các qui định về cử quốc ca, thượng cờ trong các nghi lễ. Mỗi tổ chức quốc tế đều có những qui định về thượng cờ và cử quốc ca của các nước thành viên. SeaGames dù chỉ là một sự kiện thể thao song vẫn có nghi thức này. Điều này nói lên ý nghĩa của việc cử quốc ca, thượng cờ.
Với bất cứ người Việt yêu nước dù ở trong hoàn cảnh nào, dù đó là sự kiện chính trị lớn hay sự kiện thể thao khi nghe quốc ca đều trào dâng tình yêu Tổ quốc, niềm kiêu hãnh vì sự khẳng định vị thế của dân tộc.
Trận đấu bóng đá quốc tế vừa qua là cuộc tranh tài của 2 đội bóng đại diện cho 2 quốc gia. Các cầu thủ của Việt Nam đá vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Cổ động viên vượt hàng ngàn cây số đến sân để cổ vũ cũng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Việc chào cờ và hát quốc ca đã trở thành thông lệ trước mỗi trận đấu như vậy. Giai điệu quốc ca và hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên trường đấu quốc tế sẽ được truyền tải tới nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là những cơ hội rất tốt để chúng ta giới thiệu hình ảnh đất nước với bạn bè năm châu.
Việc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) không phát nghi thức chào cờ đã ảnh hưởng đến tình cảm của người dân Việt Nam. Tuy pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan truyền thông là phải tường thuật lễ thượng cờ và cử quốc ca trong các sự kiện thể thao nhưng lòng tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh vì lá cờ đỏ sao vàng và quốc ca của Tổ quốc còn mạnh hơn cả các qui định của pháp luật về vấn đề này.
Đáng tiếc là hàng triệu người dân Việt Nam đang theo dõi qua màn hình vô tuyến không được chứng kiến hình ảnh cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên sân vận động Bishan (Singapore) và bản Tiến quân ca hào hùng vang lên. Hình ảnh đó sẽ làm đẹp hơn chiến thắng của đội tuyển U23.
“Liệu có đáng không nếu hình ảnh thiêng liêng đó được thay bằng những thông tin quảng cáo mà người dân được xem hàng ngày?” – GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Việc không phát nghi thức chào cờ của VTV dường như vi phạm tới tính chuyên nghiệp của các cuộc tường thuật trực tiếp. Nhà sản xuất chương trình cần tôn trọng những diễn biến của sự kiện khi tường thuật.
Trong thực tế, cũng có những đoạn cắt vì những lý do khác nhau nằm ngoài nội dung của sự kiện. Đã gọi là truyền hình trực tiếp thì phải truyền trung thực, đầy đủ nội dung của sự kiện, ít nhất là những nội dung chính của nó. Ban tổ chức SEAGMES chắc chắn không coi việc cử quốc ca, thượng cờ của các quốc gia có đội bóng trong trận đấu là phần mở màn cho vui.
Họ làm điều đó để thể hiện sự trân trọng đối với các quốc gia tham dự và vì đó cũng là nghi thức chính thức của SEAGAMES. Hy vọng sau này, lễ thượng cờ và cử quốc ca của Việt Nam trong những lần đạt huy chương không bị cắt và thay bằng quảng cáo. Cơ quan truyền thông trong sự việc này tuy chưa vi phạm pháp luật của nhà nước nhưng đã gây những tổn thương nhất định đến tình cảm của người Việt Nam. Những việc như thế này không nên để tái diễn”.
Chia sẻ về một số bình luận của BLV Tạ Biên Cương trong trận đấu, GS.TS Lê Hồng Hạnh trăn trở: Bình luận trong trận đấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến dưới sân, khi đội bóng “con cưng” thi đấu thăng hoa, có những cú sút không tưởng hay những pha đi bóng điệu nghệ và hứng khởi của bình luận viên.
Bình luận viên có thể “phiêu” theo hướng “Messi Việt Nam”, “Ronaldo Việt Nam” v.v nhưng không nên phiêu theo cách ghép tên cầu thủ “Hữu Dũng” với từ “Vô mưu” để nói về pha bóng của cầu thủ này. Thực sự đây là bình luận dễ gây tổn thương cho cầu thủ.
Ở giải Ngoại hạng Anh, người ta đã chứng kiến nhiều lời xin lỗi của bình luận viên về những bình luận gây tổn thương đến cầu thủ và huấn luyện viên. Bình luận viên cũng cần giữ cho cái đầu mình lạnh trong cái nóng cuồng nhiệt của bóng đá. Bình luận như vậy trên sóng truyền hình với hàng chục triệu người xem quả là hơi quá đối với cầu thủ Hữu Dũng của U23 Việt Nam.
Theo Infonet
.