Năm 2016, trọng tâm của thể thao Việt Nam (TTVN) là tham dự kỳ Olympic diễn ra tại Brazil. Đây là sân chơi được dự báo sẽ rất khốc liệt và cơ hội tranh chấp huy chương vì thế cũng không nhiều với các VĐV Việt Nam.

 

 Các VĐV đang tích cực tập luyện.
Các VĐV đang tích cực tập luyện.


Những tấm vé bất ngờ

Đến thời điểm này TTVN đã chính thức có 9 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic 2016 và hầu hết những tấm vé này đều gây bất ngờ. Kình ngư Ánh Viên, xạ thủ Quốc Cường và Hoàng Xuân Vinh, là những gương mặt “mở hàng” cho TTVN. Đặc biệt, Ánh Viên còn đạt 3 chuẩn dự Olympic và đó là một thành tích lịch sử chưa từng xảy ra với bơi lội Việt Nam.

Sau khi bắn súng và bơi lội giành 3 vé tham dự Olympic 2016 cho thể thao Việt Nam (TTVN), đến lượt cử tạ giành thêm 3 suất chính thức tới Thế vận hội 2016 tại Brazil. Tại giải cử tạ vô địch thế giới diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, với tấm HCĐ, Thạch Kim Tuấn mang về 23 điểm, còn Trần Lê Quốc Toàn được 9 điểm, lực sĩ trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn lần đầu dự giải thế giới cũng đạt 11 điểm ở hạng 56 kg. Với kết quả này, sau khi kết thúc giải vô địch cử tạ thế giới 2015 tại Houston (Mỹ), đồng đội nam Việt Nam giành được 3 suất đến Olympic Rio de Janeiro 2016. Đây là lần đầu tiên cử tạ Việt Nam giành suất dự Olympic qua nội dung đồng đội.

Ngay những ngày đầu năm 2016, một tin vui với người hâm mộ Việt Nam khi trong chiều 18/3, đô vật Nguyễn Thị Lụa đã xuất sắc vào chung kết nội dung vật tự do nữ hạng 53kg tại vòng loại Olympic 2016 khu vực châu Á. Điều này cũng có nghĩa Nguyễn Thị Lụa chính thức có vé tham dự Thế vận hội năm nay. Ngoài ra, trong trận bán kết hạng 48kg nội dung vật tự do nữ tại vòng loại Olympic 2016, khu vực châu Á ở Kazakhstan chiều 20-3, Vũ Thị Hằng đã đánh bại nữ đô vật So Sim Hyang (CHDCND Triều Tiên) với tỷ số 3-2. Vũ Thị Hằng vào chung kết và cũng chính thức giành chiếc vé dự Olympic 2016. Tấm vé thứ dự Olympic thứ 9 của TTVN là VĐV Nguyễn Thành Ngưng ở nội dung đi bộ 20km tại giải vô địch châu Á.

Càng nhiều vé càng tốt

Olympic 2016 sắp khép lại các cuộc tranh tài tại vòng loại, nên nhiều người tỏ ra rất sốt ruột bởi ở Olympic 2012 chúng ta đã đạt tới 18 suất bằng cửa chính. Tuy nhiên, phía trước Việt Nam vẫn còn nhiều giải đấu. Cụ thể, từ đầu năm 2016, sẽ có hàng loạt các giải có tính chất vòng loại để các VĐV giành vé hay tích điểm. Dù tình hình khá căng, nhưng các đội tuyển, VĐV đều đang làm việc hết sức mình để đạt thành tích cao nhất.

Tiến Minh và Vũ Thị Trang đang gần như cầm tấm vé tới Brazil trong tay, khi duy trì được thứ hạng trong tốp 40 thế giới. Đội tuyển TDDC cũng sẽ còn 1 giải đấu nữa để giành vé dự Thế vận hội. Những môn khác như đấu kiếm, judo, boxing… vẫn có nhiều hy vọng để đoạt vé tới Olympic 2016 bằng cửa chính.

“Cần phải nói rằng từ việc giành HCV SEA Games tới tranh vé tham dự Olympic, rồi đạt huy chương là cả một hành trình dài. Chúng ta tranh tài ở các giải thế giới vốn đã khó khăn, năm nay lại có tính chất vòng loại Olympic nên sự cạnh tranh càng khốc liệt. Tuy nhiên, các đội tuyển, VĐV trọng điểm đang bước vào giai đoạn tập trung cao độ để đạt thành tích tốt nhất. Đây là thời điểm họ cần nhận được sự ủng hộ, động viên từ người hâm mộ cũng như giới truyền thông”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ.

Ngành thể thao chi cho chiến dịch Olympic 2016 số tiền 48  tỷ đồng. Có 48 tuyển thủ của 15 môn đã nhận được chế độ đầu tư chuyên biệt với mức tiền ăn và tiền thù lao 800.000 đồng/người/ngày, cùng ưu tiên tối đa về thuốc men, tập huấn thi đấu quốc tế. Dù đang gặp khó về nhiều mặt song TTVN vẫn đặt mục tiêu phấn đấu giành 15 suất chính thức và có huy chương tại Olympic 2016.

Trong lịch sử, TTVN mới chỉ có 2 tấm HCB Olympic 2000 (nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân) và Olympic 2008 (lực sĩ Hoàng Anh Tuấn). Chính vì thế, việc TTVN càng có nhiều VĐV tham dự Olympic, cơ hội giành huy chương sẽ càng lớn. Tuy nhiên, thất bại tại Olympic 2012 thực sự là bài học lớn với TTVN, bởi chúng ta không chỉ cần có một lực lượng đông, mà chúng ta phải có mũi nhọn, VĐV trọng điểm.  

 

Theo Đại đoàn kết
 

.